Vào mùa đông lạnh giá, các thiết bị như điều hòa, lò sưởi, chăn điện, máy nước nóng,... được dùng hàng ngày để sưởi ấm. Song, chính những thiết bị này là tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu bạn chủ quan khi sử dụng.
Dưới đây là 5 thiết bị nên cẩn trọng khi dùng vào mùa đông, bạn tham khảo để "phòng ngừa hậu hoạ".
1. Máy sưởi
Máy sưởi có tốc độ làm nóng nhanh và dễ lắp đặt hơn so với sàn sưởi. Tuy nhiên, vào mùa đông ẩm ướt, một số người có thói quen treo quần áo lên máy sưởi để tận dụng nhiệt làm khô đồ. Đây là hành động không được khuyến khích vì quần áo thuộc loại dễ cháy, rất dễ dẫn đến hỏa hoạn nếu bất cẩn.
Ngoài ra, khu vực xung quanh máy sưởi cũng nên tránh để các đồ vật như ghế sofa, bàn ghế gỗ, vải bông,... vì cũng dễ bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ cao.
Quan trọng nhất, hãy để các vật dễ cháy nổ tránh xa máy sưởi như bình gas, bật lửa, dầu gội, cồn y tế, nước hoa xịt phòng... vì nhiệt độ cao có thể gây nổ, rất nguy hiểm.
2. Chăn điện
Khoảng hơn 10 năm trước, chăn điện từng là một thiết bị sưởi ấm rất phổ biến, đặc biệt là rất được người lớn tuổi ưa dùng. Món đồ này mang lại giấc ngủ ấm áp và thoải mái, nhưng đồng thời cũng tiềm ẩn không ít nguy hiểm.
Khi dùngg chăn điện, bạn cần chọn sản phẩm đạt tiêu chuẩn, đừng vì tiết kiệm mà mua hàng kém chất lượng. Tuy nhiên, ngay cả với sản phẩm tốt, nếu sử dụng sai cách cũng có thể gây ra nguy cơ cháy nổ hoặc rò rỉ điện.
Vậy nên khi dùng chăn điện, cần lưu ý là khi giường đã ấm, bạn nên rút điện chăn ra để giảm nguy cơ rò điện hoặc cháy. Hơn nữa, không nên dùng chăn điện nếu nhà có trẻ nhỏ vì nếu trẻ không may tè dầm hay làm đổ nước ra giường, nước thấm vào chăn có thể gây rò rỉ điện.
Một lưu ý khác là khi sử dụng, hãy trải chăn điện thật phẳng dưới ga giường. Tuyệt đối không gấp chăn vì dễ làm hỏng linh kiện bên trong. Thời hạn an toàn của chăn điện thường là 6 năm. Trước mỗi mùa đông, bạn cần kiểm tra kỹ chăn để nếu phát hiện hư hỏng thì sửa chữa hoặc thay mới kịp thời.
Sử dụng đúng cách không chỉ giúp bạn yên tâm hơn mà còn đảm bảo sự an toàn cho cả gia đình.
3. Bình nước nóng
Vào mùa đông lạnh, hầu như nhà nào cũng dùng bình nước nóng khi tắm, thậm chí là nấu ăn, giặt giũ. Tuy nhiên, nếu không dùng đúng cách, bình nước nóng cũng có thể tiềm ẩn nguy cơ rò điện nguy hiểm.
Vậy nên bạn cũng cần để ý là trước khi tắm, hãy làm nóng đầy bình nước rồi ngắt nguồn điện để tráng gây rò rỉ điện trong khi đang tắm. Đừng quên kiểm tra định kỳ bộ chống rò điện (ELCB) trên bình. Mỗi tháng, bạn nên bấm thử công tắc kiểm tra vài lần để đảm bảo đèn báo hoạt động bình thường.
Mặt khác, khi ngắt nguồn điện, tuyệt đối không dùng tay ướt để rút phích cắm vì dễ gây giật điện. Tuân thủ các quy tắc này không chỉ đảm bảo sự an toàn cho gia đình mà còn kéo dài tuổi thọ của thiết bị.
4. Túi sưởi điện
Túi sưởi điện chủ yếu có hai loại: Loại làm nóng bằng điện cực và loại làm nóng bằng dây điện trở.
Khi chọn mua túi sưởi tay, tốt nhất nên chọn loại sử dụng dây điện trở vì an toàn hơn. Hãy mua từ các cửa hàng uy tín và kiểm tra kỹ xem có dấu chứng nhận "3C" hay không, tuyệt đối đừng mua hàng trôi nổi ở vỉa hè.
Khi sử dụng, bạn nên tránh để túi sưởi tiếp xúc trực tiếp với da trong thời gian dài, đồng thời đảm bảo đóng chặt nắp sau khi sạc. Không đặt túi sưởi trong chăn để tránh bị bỏng hoặc xảy ra sự cố không mong muốn.
5. Đèn sưởi nhà tắm (đèn sưởi nhiệt)
Đèn sưởi nhà tắm thực chất là bóng đèn phát nhiệt. Không nên để đèn sưởi quá gần các đường ống dẫn nhiệt, nước sinh hoạt hoặc khí gas vì có thể xảy ra rò rỉ điện, chập điện hoặc tia lửa gây hỏa hoạn.
Sau khi sử dụng đèn sưởi, hãy nhớ tắt nguồn điện. Điều này không chỉ giúp tiết kiệm chi phí mà còn giảm nguy cơ hỏa hoạn do nhiệt độ quá cao.
Bóng đèn của đèn sưởi thường có tuổi thọ ngắn hơn so với bóng đèn thông thường. Thêm vào đó, môi trường nhà tắm ẩm ướt khiến đèn dễ bị hư hỏng. Tốt nhất nên thay đèn sưởi sau 2-3 năm để tránh các vấn đề như chập điện hoặc rò rỉ điện.
Nguồn: post.smzdm