Bình nóng lạnh là vật dụng quen thuộc trong mọi gia đình. Thiết bị này có nhiệm vụ cung cấp nguồn nước ấm - nóng để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của con người. Chính vì vậy, cứ đến mùa đông, bình nóng lạnh lại hoạt động hết công suất, trở thành một trong những thiết bị tiêu tốn nhiều điện năng nhất trong các hộ gia đình.
Nhiều người có thói quen bật bình nóng lạnh 24/24h, thậm chí còn không tắt bình khi sử dụng. Việc này không chỉ làm hóa đơn điện tăng cao mà còn khiến bình hoạt động quá tải, từ đó có thể dẫn đến nguy cơ cháy nổ, rò rỉ điện vô cùng nguy hiểm.
Vậy câu hỏi đặt ra là nên dùng bình nóng lạnh như thế nào cho an toàn?
Nên bật bình nước nóng bao lâu/ngày?
Bình nóng lạnh thông thường có công suất tiêu thụ 2.200W - 2.500W. Cấu tạo của bình nóng lạnh rất đơn giản, có thanh đun điện, rơ-le ngắt điện tương tự như ấm siêu tốc. Do đó, khi đạt đến độ nóng nhất định, dây rơ-le sẽ tự ngắt. Trong trường hợp người dùng không tắt, bình sẽ tự khởi động lại quá trình đun và lặp lại liên tục như vậy trong thời gian dài. Như vậy, nếu bình nóng lạnh được bật cả ngày thì sẽ gây tốn điện của gia đình.
Bật bình nóng lạnh cả ngày có thể gây ra nhiều vấn đề cho thiết bị và người dùng. Ảnh internet.
Ngoài ra, việc bật bình nóng lạnh 24/24h còn có thể làm giảm tuổi thọ của mình và tăng nguy cơ rò rỉ điện. Theo EVN, bộ điều nhiệt của bình nóng lạnh có tuổi thọ nhất định dựa trên số lần bật - tắt. Nếu người dùng bật liên tục tuổi thọ của nó chỉ còn khoảng 5% so với khi cần mới bật. Khi cần dùng nước nóng mới bật sẽ hạn chế được nhiệt tổn thất qua vỏ bình và tổn thất nước chờ trên đường ống, vì đường ống nước nóng càng dài thì thời gian chờ càng lâu, lượng nước chờ phải xả bỏ càng lớn.
Từ đó, các chuyên gia khuyên người dùng tuyệt đối không bật bình 24/24h, nên tắt bình nóng lạnh khi không sử dụng để bình có thời gian nghỉ ngơi.
Thời gian phù hợp để bật bình nóng lạnh trước khi dùng là 15 - 30 phút. Ảnh internet.
Quá trình bình nóng lạnh làm nóng nước sẽ mất 15-30 phút tùy dung tích. Vì vậy, để sử thiết bị này khoa học và an toàn nhất, người dùng cần bật 15 - 30 phút trước khi dùng. Trong trường hợp gia chủ muốn sử dụng vào buổi sáng, nên bật khoảng 20 phút và ngắt bình trước khi đi ngủ thì sáng hôm sau vẫn có nước nóng sử dụng.
Những lưu ý khi dùng bình nóng lạnh
Bên cạnh những lưu ý về thời gian sử dụng, các gia đình cần ghi nhớ thêm một vài thông tin quan trọng dưới đây để đảm quả việc sử dụng bình nóng lạnh an toàn và hiệu quả:
1. Tắt bình nóng lạnh trước khi sử dụng: Thói quen này này giúp người dùng tránh những sự cố rò rỉ điện gây nguy hiểm đến đời sống sinh hoạt hàng ngày.
2. Lựa chọn bình nóng lạnh phù hợp: Gia đình có 1-2 người nên dùng bình thể tích 15 - 20 lít; từ 3-4 người dùng bình thể tích 20 - 30 lít.
3. Kiểm tra, bảo trì thường xuyên: Việc này giúp đảm bảo an toàn và hạn chế tối đa tình trạng rò rỉ điện hay những tình huống không mong muốn khác xảy ra. Ngoài ra, việc kiểm tra bình nóng lạnh định kỳ còn giúp theo dõi được tình trạng hoạt động cũng như quá trình tiêu hao điện năng của thiết bị.
Nên kiểm tra bình nóng lạnh thường xuyên để đảm bảo an toàn. Ảnh internet.
4. Dùng dây nối tiếp đất cho bình: Theo EVN, việc lắp dây tiếp đất và kiểm tra thường xuyên tình trạng tiếp đất để đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng, giảm thiểu nguy cơ giật, gây nguy hiểm đến tính mạng.
5. Chọn bình nóng lạnh của các thương hiệu uy tín: Việc mua các sản phẩm chất lượng sẽ mang đến công nghệ hiện đại và tiên tiến như: Tiết kiệm điện, độ an toàn cao, độ bền tốt, làm nóng nhanh,... ngoài ra, còn giúp tiết kiệm tiền đáng kể cho gia chủ.
6. Hạ nhiệt độ cho bình: Các chuyên gia khẳng định cứ giảm 5 độ của bình nóng lạnh, có thể tiết kiệm 3-5% năng lượng điện tiêu thụ. Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ từng báo cáo việc chỉnh nhiệt độ trên bình nóng lạnh có thể tiết kiệm theo 10% mỗi năm/hộ gia đình. Chính vì vậy, người dùng hoàn toàn có thể tiết kiệm điện thông qua việc điều chỉnh nhiệt độ làm nóng của bình sao cho phù hợp với nhu cầu sử dụng của bản thân.