Starbucks là một thương hiệu cà phê nổi tiếng trên thế giới. Quán cà phê Starbucks đầu tiên được thành lập tại Seattle, Mỹ vào năm 1971, Starbucks khi đó chỉ là một cửa hàng nhỏ chuyên bán hạt cà phê và các thiết bị rang xay cà phê. Mọi chuyện thay đổi khi Howard Schultz gia nhập hãng vào năm 1982 với vai trò Giám đốc hoạt động bán lẻ và tiếp thị. Ông chính là người đưa ra ý tưởng hãng nên bán cả cà phê hạt lẫn cà phê xay sau khi nhận ra nét độc đáo trong cách phục vụ cà phê tại Ý nhờ một chuyến đi tới Milan. Dưới sự lãnh đạo của Schultz, Starbucks đã từ một công ty nhỏ trở thành chuỗi cà phê lớn nhất thế giới với hơn 30.000 cửa hàng trên toàn cầu. Thành công của Starbucks là một trong những câu chuyện kỳ diệu nhất về kinh doanh trong suốt nhiều thập kỷ. Những bài học từ Starbucks là những bài học đắt giá mà chúng ta có thể học hỏi. Sau đây là 10 bài học kinh doanh đặc sắc nhất chúng ta có thể có thể học được từ thương hiệu Starbucks nổi tiếng này.
1. Định vị thương hiệu
Starbucks rất biết cách định vị thương hiệu của mình
Năm 1982, Howard Schultz gia nhập Starbucks với vị trí là Giám đốc marketing và đã cố thuyết phục ban lãnh đạo của Starbucks chuyển đổi mô hình từ một quán bán café rang xay thành café-bar theo kiểu Ý. Đó cũng là lúc Starbucks bắt đầu định vị để trở thành thương hiệu “cà phê cao cấp”. Sau này, ông đã dần dần phát triển nó thành định vị rộng hơn – “nơi chốn thứ 3”, sau gia đình và nơi làm việc. Howard Schultz và các cộng sự không thỏa hiệp bất cứ điều gì có thể gây ảnh hưởng đến sự toàn vẹn của những ly cà phê và không gian cà phê của hệ thống Starbucks.
Với sự phát triển của mô hình fastfood, Howard Schultz kết hợp chuỗi quán Starbucks với mô hình đồ ăn nhanh: cà phê mang đi bán kèm cùng một số loại đồ ăn nhanh. Tuy nhiên, điều này đã khiến cốt lõi “cà phê” của Starbucks bị phai mờ. Khách hàng phàn nàn vì cà phê ngày càng tệ nên Howards Schultz đã nhanh chóng và quyết liệt loại bỏ những đồ ăn nhanh không phù hợp ra khỏi menu, đồng thời đóng cửa toàn bộ các cửa hàng Starbucks để đào tạo lại nhân viên cách pha cà phê.
Trong một bài viết trên trang Entrepreneur, tác giả, diễn giả Perry Marshall nhớ lại, vào khoảng năm 1992, cà phê của Starbucks có giá 65 xu và được phục vụ trong một cốc xốp. Hương vị của nó chẳng khác gì cà phê pha bằng máy của Folgers, và không gian chẳng có vẻ gì là lãng mạn. Và khi nhiều người còn hoài nghi, thậm chí mỉa mai về tham vọng biến ly cà phê Starbucks thành một thức uống hảo hạng và được nhiều người lựa chọn, người đứng đầu Starbucks đã quyết định phải có những bước đi táo bạo.
Ngay sau đó, một cửa hàng với không gian đậm tính nghệ thuật đã xuất hiện cùng những cốc cà phê sang trọng. Điều đặc biệt là ở quán này chỉ có nhân viên pha chế mà không có nhân viên phục vụ hay bồi bàn. Do đó, khách có thể thoải mái trò chuyện, đọc sách và thư giãn. Chính ý tưởng này là sự khởi đầu đưa Starbucks trở thành thương hiệu cà phê lớn nhất thế giới với doanh thu hàng tỷ USD.
Starbucks đã xây dựng được một tầm nhìn chiến lược rất rõ ràng, khi cung cấp một cốc cà phê sang trọng chỉ với giá 2 USD, mức giá mà nhiều người có thể mua được. Howard Schultz từng nói rằng nếu một người có thể bỏ ra 2 USD để mua một chiếc bánh hamburger tại cửa hàng của Mcdonalds, thì họ cũng có thể bỏ 2 USD để mua một cốc cà phê. Chiếc hamburger chỉ là một bữa trưa bình dân nhưng một ly cà phê Starbucks lại là một thứ hảo hạng và sang trọng đồng thời cảm giác thoải mái khi bước vào một cửa hàng Starbucks không chỉ đơn thuần dựa vào thiết kế nội thất mà còn phụ thuộc vào cách nhân viên bán hàng hiểu rõ tầm quan trọng của mình, nắm được việc đem lại trải nghiệm tốt cho khách hàng. Đó chính là thành công trong việc định vị thương hiệu của Starbucks. Đây là bài học của Starbucks rất đặc sắc để định vị thương hiệu.
2. Tập trung vào sứ mệnh
Starbucks luôn mang lại trải nghiệm đặc biệt cho khách hàng
Starbucks chỉ có duy nhất sứ mệnh đơn giản là nuôi dưỡng và truyền cảm hứng cho cộng đồng. Starbucks vừa là một người bạn, một ly café và một đồng nghiệp của khách hàng. Sứ mệnh này đã theo sát công ty trong suốt 4 thập kỷ qua. Định vị bản thân không chỉ là một tiệm café đơn tuần, Starbucks biến các cửa hàng của mình thành nơi để khách hàng có thể tạm trốn khỏi những bộn về của công việc thường nhật. Mặt khác, cửa hàng còn trở thành trung tâm của những cuộc tụ họp bạn bè hoặc đàm phán công việc dành cho các doanh nhân.
Starbucks muốn đưa đến thông điệp rằng, bất kể khách hàng bao nhiêu tuổi, sống ở đâu, làm nghề gì thì đều có chung một trải nghiệm tại Starbucks. Mục tiêu của Starbucks là xây dựng một môi trường “thứ ba” – đan xen giữa nhà và nơi làm việc, vì thế nên khi bước vào một cửa hàng Starbucks bất kỳ đâu trên thế giới, khách hàng luôn cảm nhận được một bầu không khí thoải mái và thân thiện đến lạ thường.
Starbucks cũng là một doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội đúng nghĩa. Trách nhiệm xã hội đó thể hiện trong những chuyện Starbucks đã làm: Với khách hàng– cam kết mang lại cho khách hàng cà phê ngon nhất với chất lượng tốt nhất, và mang lại cho khách hàng một trải nghiệm Starbucks tuyệt vời; với cộng đồng – các chính sách giúp đỡ nông dân ở những nước trồng cà phê; với các cổ đông – luôn mang lại lợi ích cao nhất cho những đầu tư của họ, với nhân viên Starbucks luôn đối xử công bằng và đối đãi thịnh tình đối với nhân viên.
3 . Sáng tạo
“Chúng tôi tin rằng ý tưởng sáng tạo là nhiên liệu cho tương lai, và chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển dựa trên di sản này”, ông Kevin Johnson, CEO của Starbucks từng chia sẻ. Starbucks được xây dựng trên nền tảng gắn kết chặt chẽ với các giá trị cốt lõi ban đầu, song công ty cũng là nơi phát huy mạnh mẽ sự sáng tạo.
Ví dụ, khi nhận ra rằng khách hàng có nhu cầu ngồi lại quán lâu hơn, Starbucks đã bắt đầu cung ứng dịch vị Wifi miễn phí từ năm 2010. Khi nhận ra rằng khách hàng muốn các sản phẩm chế biến tại nhà, Starbucks đẩy mạnh cung ứng bộ café pha sẵn mang tên Via và hệ thống máy pha café Verismo.
Hay việc Starbucks sử dụng cổng thông tin My Starbucks Idea. Thông qua cổng thông tin này, khách hàng có thể đóng góp ý tưởng và bình chọn hoặc bình luận về ý tưởng của người khác về những cách Starbucks có thể làm để cải thiện sản phẩm của họ. Starbucks không chỉ nhận được phản hồi mà còn tăng cường sự liên kết cùng sự trung thành của người dùng với nhãn hàng này.
Duy trì những yếu tố cốt lõi truyền thống là tốt, nhưng hãy đủ linh hoạt để chấp nhận và chào đón các thay đổi mới để thích nghi với môi trường kinh doanh đang không ngừng thay đổi.
4. Bậc thầy về marketing
Người nổi tiếng
Lướt qua các trang web tin tức, bạn sẽ không khó để thấy các bức ảnh chụp bởi paparazzi khi người nổi tiếng nắm chặt đồ uống Starbucks trong tay.
Tình yêu của sao Hollywood với Starbucks nâng tầm sản phẩm thành biểu tượng của sự sang trọng mà chúng ta, những người bình thường, có thể dễ dàng mua được, chứ không khó khăn như sở hữu túi Hermes hay đồng hồ Rolex. Nói cách khác, chúng ta cũng có thể có một điểm giống người nổi tiếng: cùng uống Starbucks.
Đối với chuỗi cà phê “nàng tiên cá”, hình ảnh người nổi tiếng công khai uống Starbucks là một “món quà trời ban” cho thương hiệu cũng như túi tiền của họ. Thật vậy, Starbucks không phải mất chi phí thuê người nổi tiếng tham gia vào các chiến dịch quảng cáo vì họ đã luôn làm điều này miễn phí.
Xây dựng hiệu quả thương hiệu trên mạng xã hội
Starbucks rất biết cách tận dụng mạng xã hội để kể câu chuyện cho mình
Hầu hết chúng ta đều đồng ý rằng mạng xã hội đang đóng vai trò quan trọng trong quảng cáo và marketing hiện đại. Tuy nhiên, không phải ai cũng tối ưu hóa được hiệu quả của chúng.
Starbucks trong nhiều năm qua đã kiên trì kể câu chuyện thương hiệu của mình trên Instagram. Mạng xã hội chia sẻ hình ảnh này đã giúp công ty không chỉ quáng bá cả sản phẩm mới mà còn lan tỏa giá trị Starbucks thông qua các hình ảnh khách hàng thưởng thức café tại cửa hàng cùng bạn bè, hoặc kết quả công việc sáng tạo của các nghệ sĩ khi uống café Starbucks.
Bài học của Starbucks không chỉ ở việc quản trị một chiến dịch marketing về mạng xã hội mà còn nằm ở việc chọn mạng xã hội phù hợp để gắn kết với những khách hàng mục tiêu của DN.
Tạo ra thương hiệu mạnh mẽ
Logo màu xanh lá cây của Starbucks có mặt ở khắp nơi và không thể bị nhầm lẫn dù nhìn từ xa đi chăng nữa. Logo độc đáo và đặc biệt của hãng được in cả trên ly, tách cà phê, khăn giấy,…và những thứ tương tự như vậy. Sự lặp lại hình ảnh thường xuyên và bền bỉ này sẽ tăng cường sức mạnh và khả năng nhận biết thương hiệu. Đây chính là 1 phương pháp tuyệt vời để tiếp cận khách hàng.
Quá trình bền bỉ với nỗ lực nhằm đưa thương hiệu trở nên thân thuộc đã giúp Starbucks phát triển sự kết nối về cảm xúc với khách hàng. Mỗi khi khách hàng nhìn thấy logo này thì dù đang ở đâu, họ gần như ngay lập tức liên tưởng tới không khí và hương vị của Starbucks. Hay như cơn sốt săn ly Starbucks gần đây càng khẳng định thương hiệu mạnh mẽ và khả năng marketing bậc thầy của Starbucks.
5. Lãnh đạo
Starbucks có một đội ngũ quản lý dày dạn kinh nghiệm để có thể điều hành những chi nhánh bán lẻ đi đúng hướng. Một trong những chiến lược khôn khéo của Starbucks là sao chép y nguyên trụ sở chính trên những cửa hàng nhượng quyền thương mại bằng cách điều những quản lý được đào tạo từ trước xuống. Chiến lược này cho phép các công ty thiết lập hình ảnh chung cũng như duy trì được hoạt động hiệu quả, cung cấp một chất lượng phù hợp với dịch vụ tuyệt vời.
Hay như vào năm 2007, doanh thu của Starbucks bị sụt giảm mạnh. Năm 2008, khi Howard Schultz trở lại nắm quyền điều hành Starbucks, công ty đang ở trong giai đoạn khủng hoảng và tồi tệ. Howard Schultz đã nhận ra rằng công ty đã không còn đi đúng với những sứ mệnh và con đường ban đầu. Stabucks lúc này đang tập trung vào vấn đề lợi nhuận và quên mất mục tiêu tạo ra những trải nghiệm tuyệt vời cho khách hàng. Khi Howard Schultz quay lại ông đã thành công trong việc đưa công ty vào đúng quỹ đạo của mình.
Trong một cuộc họp với các quản lý cửa hàng Starbucks, dù bị ngăn cản bởi một số đồng nghiệp, những người cho rằng tiết lộ sự thật về tình hình hiện tại của doanh nghiệp sẽ có hại hơn là có lợi nhưng Howard Schultz vẫn quyết định đưa ra sự minh bạch. Howard Schultz chia sẻ rằng: “Làm sao tôi có thể yêu cầu nhân viên của mình thay đổi trong khi họ không hề biết về bức tranh tổng thể? Ít nhất họ cần biết rằng tình hình kinh doanh đang trở nên tồi tệ và bản năng mách bảo tôi rằng tôi cần chia sẻ một cách chân thành với họ 100% sự thật”. Ông đã chứng minh rằng việc giao tiếp với cấp dưới, đặc biệt là trong thời kỳ khủng hoảng rất quan trọng. Điều này sẽ giúp tháo gỡ nhiều khúc mắc và duy trì hoạt động kinh doanh.
Ngoài ra, sau khi trở lại, Howard Schultz còn đưa ra giải pháp hết sức quyết liệt: Ông cho đóng toàn bộ cửa hàng ở Bắc Mỹ trong vòng một tuần để đào tạo lại nhân viên của Starbucks. Sau đó, Starbucks bắt đầu cam kết về chất lượng, rằng nếu sản phẩm không đủ tốt họ sẽ không bán ra cho khách hàng. Đến năm 2013, lợi nhuận quay trở lại với Starbucks.
Với những người lãnh đạo, khi gặp những tình huống như vậy, cần phải xem xét lại công ty đang gặp vấn đề ở đâu và phải đưa ra những hành động dứt khoát kịp thời. Không những vậy, họ cần thể hiện sự đồng cảm 100% với cấp dưới và giải thích tại sao mình lại đưa ra quyết định như vậy. Một khi nhân viên và lãnh đạo có được sự thấu hiểu nhất định, bộ máy sẽ hoạt động hiệu quả và trơn tru hơn.
Điều này cho thấy tầm quan trọng của một nhà lãnh đạo sáng suốt, và chấp nhận thay đổi sẽ giúp cho doanh nghiệp tránh khỏi những thất bại.
6. Ứng dụng công nghệ
Chúng ta thường nghĩ một công ty công nghệ hoặc tổ chức tài chính nào đó mới là người đứng sau, khởi xướng hình thức thanh toán qua di động. Trên thực tế, Starbucks là người dẫn đầu, cũng là người có công phổ biến loại hình thanh toán này.
Năm 2011, Starbucks phát hành một ứng dụng mới cho phép người dùng đặt hàng, thanh toán online mà không cần xếp hàng dài chờ đợi. Ý tưởng khi đó bị các nhà công nghệ cười cợt vì họ cho rằng việc sử dụng mã QR cho ứng dụng di động thật thô sơ, lại còn không giống ai.
Nhưng sự thật đã chứng minh điều ngược lại. Vào thời điểm Apple chuẩn bị cung cấp dịch vụ thanh toán di động của họ vào năm 2014, Starbucks đã xử lý 6 triệu giao dịch qua di động mỗi tuần trên khắp nước Mỹ. Năm 2016, 1/5 các giao dịch của khách hàng tại Starbucks được thực hiện qua di động. Ứng dụng còn cung cấp các chương trình giảm giá, miễn phí đồ uống cho các khách hàng thường xuyên sử dụng, đồng thời có thể gợi ý cho khách hàng đồ uống phù hợp dựa trên những lần chọn lựa trước đó.
Bên cạnh đó công ty còn tập trung vào chương trình cá nhân hoá cho khách hàng. Đầu năm 2019, công ty đầu tư mạnh mẽ vào trí tuệ nhân tạo (AI) để thấu hiểu insight khách hàng và thực hiện chương trình cá nhân hóa tốt hơn.
Mọi dữ liệu từ thời gian đặt hàng mỗi ngày, cho đến loại đồ uống yêu thích phổ biến, được kết nối với dữ liệu vị trí địa lý và thời gian trong năm để đề xuất những thức uống đi kèm ưu đãi phù hợp cho từng khách hàng. Công ty cũng đã kết hợp dữ liệu về insight khách hàng, dữ liệu phân tích của đối tác, tính năng phân tích marketing vào một trung tâm duy nhất để khai thác dữ liệu từ những kết nối này và tinh chỉnh chúng thành những trải nghiệm cá nhân hoá dành cho khách hàng.
7. Không những tập trung vào khách hàng mà còn tập trung vào cả nhân viên
Câu chuyện về văn hoá doanh nghiệp tại Starbucks từ lâu đã trở thành giai thoại nổi tiếng, được nhiều người mang ra mổ xẻ và học hỏi. Suốt nhiều thập kỷ phát triển, Starbucks xây dựng văn hoá chú trọng tới tinh thần và môi trường làm việc của nhân viên. Tại Starbucks, không chỉ khách hàng mà nhân viên cũng là “thượng đế”.
Nhân viên là đối tác – Starbucks thường gọi các nhân viên của mình là những “đối tác”. Ngay cả các nhân viên bán thời gian (tại Mỹ) luôn có cơ hội nhận cổ phiếu và bảo hiểm của công ty. Vào thời kỳ khủng hoảng kinh tế, khi các công ty bán lẻ sa thải hàng loạt nhân viên, Starbucks vẫn kiên trì đầu tư vào huấn luyện kỹ năng cho nhân viên của mình, bao gồm các khóa pha chế và thậm chí những môn học có thể đổi thành tín chỉ ở nhiều trường Đại học tại Mỹ.
Tại chuỗi cà phê này, nhân viên được khuyến khích nêu quan điểm cá nhân và tạo nhiều ảnh hưởng hơn tới công ty. Mọi góp ý từ nhân viên sẽ được tiếp nhận để cải thiện sản phẩm và dịch vụ của Starbucks. Chính điều này mang đến cho nhân viên cảm giác được công nhận và có cơ hội chứng minh giá trị của bản thân.
Một nhân viên Starbucks từng viết trên trang cá nhân của mình “Không một nhân viên Starbucks nào từng ra lệnh tôi phải làm gì cả. Họ luôn mở lời bằng: ‘Bạn có thể giúp mình một chút được không?’.”
Với Howard Schultz, ông cho rằng một khi nhân viên được chăm sóc tốt và mãn nguyện, họ sẽ nỗ lực hết sức để mang tới cho khách hàng những trải nghiệm tốt nhất. Có thể nói, trong suốt sự nghiệp tại Starbucks, ưu tiên hàng đầu của Schultz là chế độ cho nhân viên.Theo Schultz, đây chính là nhân tố quan trọng mang tới thành công cho Starbucks, giúp chuỗi này nhanh chóng phát triển ra nhiều quốc gia trên thế giới.
8. Hợp tác chiến lược
Một trong những yếu tố quyết định sự thành công của Starbucks là sáng kiến hợp tác chiến lược với nhiều công ty khác.
Ví dụ, Starbucks đã hợp tác với cửa hàng bán sách nổi tiếng thế giới là Barnes & Noble vào năm 1993 để cung ứng café tại các cửa hiệu sách của thương hiệu này.
Hay như thương vụ hợp tác với Alibaba để đẩy mạnh kinh doanh tại thị trường Trung Quốc thông qua mạng lưới thương mại điện tử.
Starbucks luôn đặt ra mục tiêu lớn, tìm những đối tác đáng tin cậy và thực hiện nó. Sở trường của Starbucks là khai phá những thị trường mới. Đối với doanh nghiệp nhỏ để có được thành công, bạn phải nhận ra rằng, một mình bạn không thể lấp đầy được những khoảng trống trong việc phục vụ nhu cầu của thị trường mục tiêu.
Tùy vào mục tiêu đề ra mà doanh nghiệp cần chọn đúng đối tác phù hợp trong từng lĩnh vực. Hợp đồng hợp tác nên mang đến lợi ích tương xứng cho cả hai bên.
9. Trải nghiệm khách hàng
Starbucks tạo ra trải nghiệp tuyệt vời cho khách hàng
Starbucks tạo ra những cửa hàng bán lẻ hấp dẫn, thoải mái với thiết kế thu hút sự chú ý của khách hàng. Bước vào 1 nhà hàng của Starbucks bạn sẽ nhanh chóng nhận ra không gian đầy lôi cuốn, ngăn nắp, sạch sẽ với hệ thống ánh sáng được lắp đặt tỉ mỉ từng góc một. Starbucks hiểu chính xác làm thế nào để tăng chất lượng trải nghiệm cho khách hàng với chỉ 1 hành động đơn giản là uống cà phê.
Những đổi mới sản phẩm và cửa hàng sẽ tăng trải nghiệm cho khách hàng. Họ không cần phải đến trụ sở chính tại Seattle mà vẫn có thể cảm nhận được một không khí Starbucks đích thực ở bất cứ đầu trên thế giới. Chính sự nhấn mạnh vào trải nghiệm của khách hàng là một trong những nguyên do khiến Starbucks trở thành thương hiệu cà phê cảm xúc nhất toàn cầu. Mọi khía cạnh nhỏ nhất đều được suy xét thấu đáo và được sao chép mô phỏng như nhau ở khắp các quán Starbucks trên toàn thế giới.
Hay như việc Starbucks đã cho ra mắt công cụ truy xuất nguồn gốc hạt cà phê cho phép khách hàng của Starbucks có thể truy xuất nguồn gốc từng hạt cà phê của công ty. Điều này đã củng cố niềm tin và tăng thêm những trải nghiệm độc đáo cho khách hàng.
Và một trong những điều đặc biệt của thương hiệu Starbucks đó là không nhượng quyền kinh doanh để có thể kiểm soát chặt chẽ hơn chất lượng và trải nghiệm đồng nhất cho khách hàng của họ qua đó giúp công ty có thể phát triển bền vững trong tương lai.
10. Chương trình nâng cao lòng trung thành khách hàng
Một trong những cách tuyệt vời để làm tăng lòng trung thành của khách hàng là thực hiện một chương trình để làm tăng lòng trung thành khách hàng, và Starbucks đã thực hiện rất tốt chương trình này.
Khi tham gia chương trình đặc biệt này, khách hàng sẽ được tích điểm thưởng vào trong tài khoản Starbucks Rewards của mình. Tài khoản Starbucks Rewards có thể được truy cập cả trên máy tính lẫn điện thoại, do đó khách hàng có thể dễ dàng kiểm tra tài khoản mình. Khi tham gia chương trình, mỗi khi khách hàng mua sản phẩm nào đó từ Starbucks, họ sẽ được nhận những điểm thưởng (những ngôi sao). Khi tích đủ điểm thưởng, khách hàng có thể quy đổi sang thức ăn, nước uống. Ngoài ra thành viên chương trình còn hay được nhận những ưu đãi dành riêng cho thành viên.
Nguyên lí ở đây rất đơn giản: Khách hàng sẽ có xu hướng mua nhiều hơn để có thể nhận được những phần thưởng từ Starbucks do đó sẽ làm tăng cao lòng trung thành của khách hàng dành cho thương hiệu.
Bài học ở đây là bạn hãy sử dụng các chương trình tương tự để khiến khách hàng của mình mua đi mua lại và nâng cao chỉ số trung thành của họ dành cho thương hiệu của mình. Rất nhiều doanh nghiệp không nhận ra sự quan trọng của việc tạo ra một chương trình làm tăng sự trung thành của khách hàng, tuy nhiên chương trình này đặc biệt hoạt động tốt với những doanh nghiệp theo mô hình B2C, ở đó khách hàng dễ dàng rời bỏ sản phẩm của doanh nghiệp và chuyển sang sản phẩm của một doanh nghiệp khác.
Duy trì một hệ thống có thể đền đáp cho sự trung thành của khách hàng là một cách hiệu quả cho doanh nghiệp để nâng cao chỉ số trung thành của khách hàng mà ở đó khách hàng cảm thấy được đền đáp và hài lòng cho sự trung thành của mình dành cho doanh nghiệp.
Tổng hợp, Phân tích, Biên soạn
Phong Ho
Tham khảo:
www.brandsvietnam.com
https://loop.vn
https://blog.shift4shop.com
https://mktoolboxsuite.com
Bạn có thể xem video tại đây: