PGS-TS Tăng Chí Thượng – Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết: “Chuyển đổi số để người dân được chăm sóc sức khỏe tốt hơn”, là thông điệp của ngành y tế trong năm 2023. Đây cũng là năm khởi động 2 hoạt động mang ý nghĩa quan trọng trong chuyển đổi số ngành y tế, bao gồm việc xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân và kho dữ liệu dùng chung của ngành y tế.

Chuyển đổi số y tế là gì?

Chuyển đổi số y tế là việc áp dụng công nghệ, truyền thông một cách tổng thể và toàn diện vào các hoạt động của ngành y tế, nhằm tối ưu hóa việc quản lý, lưu trữ thông tin cũng như nâng cao chất lượng, hiệu quả và trải nghiệm người dùng.

Chuyển đổi số trong Y Tế bao gồm việc sử dụng hệ thống hồ sơ điện tử, ứng dụng di động, hệ thống quản lý và các công nghệ tiến tiến. Những thành phần điển hình của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 bao gồm các công nghệ số như Big data, IoT, Cloud Computing, Trí tuệ nhân tạo, robot, công nghệ thực tế ảo,...

Chuyển đổi số y tế: Nắm bắt xu hướng, chủ động về sức khỏe (Phần 1)

Vai trò của chuyển đổi số với ngành y tế

Đối với người dân

Chuyển đổi số y tế đặt mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, tương tác dễ dàng với các nhân viên y tế để phản ánh và nhận hướng dẫn, cũng như quản lý sức khỏe cá nhân thông qua kết nối và liên thông các dữ liệu sức khỏe với các cơ sở khám, chữa bệnh. Mục tiêu cuối cùng là đảm bảo mỗi người dân đều sở hữu hồ sơ sức khỏe điện tử.

Công nghệ 4.0 đã và đang mang lại nhiều cơ hội và lợi ích trong việc chuyển đổi số y tế. Thực tế, việc chuyển đổi giúp cải thiện tính cá nhân hóa trong chăm sóc sức khỏe của người dân. Đồng thời đóng vai trò quan trọng trong việc cứu sống bệnh nhân, đặc biệt là trong các trường hợp khẩn cấp cần sự can thiệp ngay lập tức. Các công nghệ mới như hồ sơ điện tử, hệ thống thông tin y tế liên kết giúp tăng cường khả năng chia sẻ thông tin y tế giữa các cơ sở chăm sóc, từ đó cung cấp thông tin quan trọng, chính xác cho việc chẩn đoán và điều trị.

Đối với nhân viên y tế

Thông qua việc áp dụng công nghệ, các bác sĩ dễ dàng tiếp cận các kiến thức và kỹ thuật y học mới nhất, giúp nâng cao chất lượng, sự an toàn cho bệnh nhân. Đồng thời, chuyển đổi số cũng giảm thiểu nguy cơ sai sót trong các quy trình y tế, đảm bảo sự chính xác và đáng tin cậy trong quản lý thông tin y tế.

Thông qua hồ sơ bệnh án điện tử, hệ thống quản lý thông tin y tế, giờ đây thông tin của bệnh nhân trở nên dễ dàng truy cập và chia sẻ giữa các bác sĩ, cơ sở khám chữa bệnh. Điều này cho phép sự kết nối, tương tác dễ dàng giữa các chuyên gia y tế, tạo điều kiện cho việc hội chẩn và tư vấn hiệu quả.

Hơn nữa, mục tiêu của chuyển đổi số y tế là đảm bảo mỗi bệnh viện và cơ sở khám chữa bệnh đều có hồ sơ bệnh án điện tử. Điều này đảm bảo rằng dữ liệu bệnh án, thông tin y tế liên quan được kết nối với nhau giữa các cơ sở khám chữa bệnh. Cung cấp cái nhìn toàn diện hơn về bệnh nhân và dễ dàng chia sẻ thông tin quan trọng giữa các cấp bậc y tế.

Đối với nhà quản lý

Chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế mang đến nhiều cải tiến cho việc quản lý sức khỏe và cung cấp dịch vụ chăm sóc. Nhờ sự ứng dụng của công nghệ, nhà quản lý y tế có thể triển khai hiệu quả công tác điều phối, giám sát, cảnh báo và dự báo về các vấn đề liên quan đến sức khỏe của người dân. Giúp tăng cường khả năng phát hiện và đối phó với các vấn đề sức khỏe cộng đồng một cách nhanh chóng, chính xác.

Chuyển đổi số cũng đóng vai trò quan trọng trong việc cải cách thủ tục hành chính của ngành y tế và triển khai dịch vụ công trực tuyến. Việc áp dụng các ứng dụng và hệ thống trực tuyến giúp giảm bớt thủ tục phức tạp, thời gian xếp hàng, đồng thời cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe thuận tiện hơn cho người dân. Điều này cũng giúp tăng cường sự tiếp cận và hiệu quả trong việc cung cấp dịch vụ y tế.

Hơn nữa, chuyển đổi số cung cấp nhiều ứng dụng hữu ích cho nhà quản lý bệnh viện và cơ sở y tế. Các ứng dụng này giúp quản lý việc tuân thủ quy trình, phác đồ điều trị của nhân viên y tế, đồng thời triển khai các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng phục vụ cho người bệnh và nhân viên y tế.

Chuyển đổi số y tế: Nắm bắt xu hướng, chủ động về sức khỏe (Phần 1)

Thực trạng chuyển đổi số y tế tại Việt Nam

Trong một nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh. Suốt vài năm trở lại đây, Việt Nam, đặc biệt là TP.HCM, đã kiểm soát và ổn định đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, dấu ấn của sự tàn phá khủng khiếp của đại dịch này vẫn còn đọng lại và hẳn là một thời điểm khó quên. Trên phương diện ứng dụng Công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác phòng chống dịch, Thành phố Hồ Chí Minh đã tạo ra những sản phẩm sáng tạo và hiệu quả đáng ghi nhận.

Một ví dụ điển hình là hệ thống quản lý người bệnh COVID-19 do Sở Y tế TP.HCM phát triển và ra mắt vào đầu tháng 3/2022. Trước đó, hàng nghìn người đến các trung tâm y tế đợi để khai báo đã mắc COVID-19 (F0) và hàng nghìn người khác đợi để nhận giấy xác nhận đã hoàn thành thời gian cách ly tại nhà. Nhờ có công cụ chuyển đổi số này, Thành phố đã giải quyết triệt để tình trạng tắc nghẽn của người bệnh tại các trung tâm y tế trên toàn thành phố.

Việt Nam đặt phát triển chăm sóc sức khỏe là một trong những ưu tiên hàng đầu. Chi tiêu cho lĩnh vực này sẽ có sự tăng trưởng đáng kể, khoảng 15,6 tỷ USD, chiếm 6,5% GDP trong năm 2018. Dự đoán vào năm 2028, con số này sẽ tăng lên 42,9 tỷ USD. Điều này tương đương với mức tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 11% trong 10 năm. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam được xem là một trong những quốc gia đầu tư nhiều nhất vào lĩnh vực sức khỏe. Ngoài ra, chi tiêu bình quân đầu người cho chăm sóc sức khỏe dự kiến sẽ tăng lên 408 USD/ năm vào năm 2028, gấp ba lần so với mức 141 USD/ năm năm 2018.

Bên cạnh đó, Việt Nam có nhiều ưu thế để áp dụng các giải pháp y tế số:

  • Thứ nhất, hơn 60% dân số Việt Nam dưới 54 tuổi, nhóm này đang nhanh chóng đón nhận và sử dụng các công nghệ mới. Trung bình, người dân Việt Nam dành khoảng 7 giờ mỗi ngày cho các hoạt động trực tuyến, với 3 giờ trong số đó được thực hiện trên các thiết bị di động.

  • Thứ hai, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện nhiều chính sách để xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển các dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông. Đến năm 2017, việc truy cập internet đã được lan rộng trên toàn quốc, với tỷ lệ sử dụng đạt 67%. Tốc độ tăng trưởng hàng năm của việc sử dụng internet là 28%. Ngoài ra, công nghệ thông tin di động cũng đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam, với mạng 4G đã có phủ sóng đến hơn 95% các hộ gia đình.

  • Thứ ba, cơ sở hạ tầng công nghệ nước ta đang tiến tới sử dụng các dịch vụ dựa trên cloud - based, mở ra cơ hội phát triển các giải pháp sáng tạo, hiệu quả về chi phí nhằm cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Tất cả những yếu tố này cung cấp một nền tảng lý tưởng cho quá trình chuyển đổi số y tế tại Việt Nam.

Theo báo Chính phủ, Bộ Y tế cũng đang dự thảo Thông tư hướng dẫn triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số tại các cơ sở khám chữa bệnh. Dự thảo này nêu rõ lộ trình hoàn thành quá trình chuyển đổi số từ ngày 1/1/2027 tại các cơ sở khám chữa bệnh đối với các bệnh viện nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động từ ngày 1/1/2027.

Đối với các bệnh viện được cấp giấy phép trước 1/1/2027, phải hoàn thành chuyển đổi số chậm nhất từ 1/1/2029. Các cơ sở khám chữa bệnh có thể căn cứ vào năng lực cũng như nhu cầu thực tế để hoàn thành trước lộ trình nêu trên.

Chuyển đổi số y tế: Nắm bắt xu hướng, chủ động về sức khỏe (Phần 1)

Thách thức, khó khăn khi thực hiện hoạt động chuyển đổi số y tế

Chuyển đổi số y tế là một quá trình mang tính toàn diện và liên tục, đòi hỏi sự tham gia của nhiều bên liên quan, từ các cơ quan quản lý nhà nước, các bệnh viện, phòng khám, đến các doanh nghiệp công nghệ và người dân. Tuy nhiên, quá trình này cũng gặp phải một số thách thức, khó khăn, bao gồm:

Thiếu nguồn lực

Chuyển đổi số y tế đòi hỏi một nguồn lực đáng kể, bao gồm cả tài chính, nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin. Trong đó, tài chính là một trong những thách thức lớn nhất, bởi ngành y tế Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn về tài chính, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Đón chờ phần 2 ở bài viết tiếp theo nhé!