Dự thảo Thông tư sửa đổi về "Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng dịch vụ truy nhập Internet trên mạng viễn thông di động mặt đất" vừa được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố để lấy ý kiến.
Nội dung chính trong đợt sửa đổi này là bổ sung quy định tốc độ tối thiểu đối với dịch vụ Internet 3G và 4G. Cụ thể, vùng cung cấp dịch vụ truy nhập Internet trên mạng viễn thông di động mặt đất, sử dụng công nghệ truy nhập vô tuyến LTE, LTE-A, tức 4G, có tốc độ tải xuống tối thiểu 40 Mb/giây. Trong khi mạng WCDMA (3G) tối thiểu một Mb/giây. Khi đo kiểm, ít nhất 95% số mẫu phải có tốc độ tải xuống lớn hơn hoặc bằng giá trị này.
Quy chuẩn đang áp dụng không quy định tốc độ tối thiểu, mà do các nhà mạng tự công bố. Tuy nhiên, theo Bộ, nhà mạng thường cam kết con số thấp hơn, chỉ bằng 40% tốc độ thực tế và "chưa tương xứng với năng lực cung cấp của doanh nghiệp".
Ví dụ, với tốc độ tải xuống trung bình, ba nhà mạng lớn nhất hiện nay công bố kết quả 15-16 Mbps. Trong khi đó, các công cụ như I-speed và kết quả đo kiểm của Bộ cho tốc độ thực tế có thể lên tới 50-60 Mbps. Thống kê của Speedtest cũng cho thấy tốc độ Internet trung bình của Việt Nam tháng 7 đạt 48,29 Mbps, đứng thứ 45 toàn cầu, cao hơn tốc độ trung bình 42,35 Mbps của thế giới.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, việc bổ sung quy định sẽ "thúc đẩy doanh nghiệp nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng tính cạnh tranh, tăng thứ hạng quốc tế, và các thuê bao cũng nhận thức được thực tế chất lượng dịch vụ".
Ngoài ra, việc này cũng được đánh giá phù hợp thực tế khi tốc độ tối thiểu của mạng 4G toàn cầu là 30 Mbps, khu vực châu Á - Thái Bình Dương là 31 Mbps. Doanh nghiệp di động tại Việt Nam thời gian tới cũng sẽ được bổ sung băng tần mới, như 2,3 GHz, để phục vụ triển khai băng rộng 4G.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng quy định này sẽ là thách thức với nhà mạng tại Việt Nam. Theo một chuyên gia viễn thông, tốc độ trung bình của mạng còn phụ thuộc vào lượng tần số dành cho các công nghệ mạng cũng như lượng người sử dụng nhiều hay ít. Để đáp ứng yêu cầu 95% mẫu đo đạt 40 Mbps, tốc độ trung bình của mạng sẽ phải cao hơn nhiều lần con số này, thậm chí vượt qua giới hạn của mạng 4G.
Trong bối cảnh Việt Nam chuyển dịch sang 5G, việc phải đảm bảo cả tốc độ 4G sẽ gây khó khăn cho các nhà mạng. Bên cạnh đó, với tốc độ tải xuống theo công bố là 15-16 Mbps, chuyên gia cho rằng tốc độ này đã đảm bảo trải nghiệm video có độ phân giải lên tới 2K.
Theo thống kê của Cục Viễn thông - Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến tháng 4, số lượng thuê bao băng rộng di động tại Việt Nam đạt xấp xỉ 84 triệu. Mạng 4G hiện phủ sóng hầu hết tỉnh, thành trong cả nước. Việt Nam đặt mục tiêu đến 2025 sẽ xây dựng được hạ tầng số đạt trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN, Internet băng thông rộng phủ 100% xã, kinh tế số chiếm 20% GDP. Đến 2030, mạng di động 5G phủ sóng toàn quốc, người dân truy cập Internet băng thông rộng với chi phí thấp.