Tại họp báo của Bộ Thông tin và Truyền thông chiều 6/9, Thứ trưởng Phạm Đức Long cho biết thời gian qua, Bộ cùng các nhà mạng đã tập trung xử lý thuê bao chưa chuẩn hóa thông tin, không chính chủ.
Tính đến hết tháng 8, tổng cộng có 19,6 triệu thuê bao được xử lý, trong đó 11 triệu có thông tin không trùng khớp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cao hơn mức gần bốn triệu mà các nhà mạng công bố hồi tháng 3. Theo đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông, sự chênh lệch này là do Cơ sở dữ liệu ngày càng hoàn thiện, từ đó phát hiện thêm hàng triệu thuê bao chưa trùng khớp. Ngoài ra, các thuê bao bị xử lý còn vì có giấy tờ hết hạn, giấy tờ có thông tin nghi vấn.
Sau quá trình xử lý, đã có 3,55 triệu thuê bao đi chuẩn hóa lại và hoạt động bình thường. Hơn 7,5 triệu thuê bao bị khóa một chiều, hai chiều hoặc bị thu hồi.
Ngoài ra, từ tháng 5, các đoàn thanh tra của Bộ cũng tiến hành kiểm tra những người sở hữu trên 10 sim nhằm đảm bảo thuê bao hoạt động đúng tên đăng ký, tức sim chính chủ. Sau rà soát, 8,6 triệu thuê bao vi phạm việc này và bị xử lý. Trong số này, 3,6 triệu sim đăng ký lại thông tin. Số còn lại bị khóa một chiều, hai chiều hoặc bị thu hồi.
Nhằm ngăn tình trạng xả "rác" mới, Thứ trưởng Long cho biết đã yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông phải triển khai các biện pháp để bảo đảm phát triển thuê bao mới phải tuân thủ đúng quy định. Thời gian tới, Cục Viễn thông sẽ phối hợp với Thanh tra Bộ tăng cường giám sát, kiểm tra hành vi vi phạm và có thể đình chỉ phát triển thuê bao mới với nhà cung cấp vi phạm.
Tình trạng sim không chính chủ, không chuẩn hóa là một trong những nguyên nhân dẫn đến trình trạng sim rác, cuộc gọi rác thời gian qua. Để ngăn chặn tình trạng trên, các thuê bao đăng ký mới hiện nay đều phải trùng khớp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an quản lý.
Tuy nhiên, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết mới chỉ có ba nhà mạng lớn có thể kết nối trực tiếp đến Cơ sở dữ liệu quốc gia. Số này chiếm 85% thuê bao phát triển mới. 15% thuộc nhà mạng nhỏ, mạng ảo, chưa đủ điều kiện kết nối vào Cơ sở dữ liệu này và báo cáo hàng tháng thông qua Bộ Thông tin và Truyền thông.
Ngoài ra, ông Long cũng nhấn mạnh có tình trạng đứng tên hộ khi đăng ký thuê bao. Việc này dẫn đến tình trạng sim có thông tin chính xác nhưng không chính chủ, từ đó có nguy cơ tạo ra sim rác.
"Người dân cần nâng cao ý thức bảo vệ thông tin cá nhân, hiểu tầm quan trọng của việc sử dụng sim chính chủ, khi sim điện thoại hiện gắn với rất nhiều hoạt động hàng ngày như VNeID, thanh toán số, đồng thời chủ động cài đặt, sử dụng các dịch vụ chặn lọc, cảnh báo cuộc gọi rác, cuộc gọi lạ do nhà mạng cung cấp", đại diện Cục Viễn thông cho biết.