Theo bảng xếp hạng Speedtest Global Index do Ookla công bố, tốc độ mạng di động của Việt Nam từ vị trí 48 trong tháng 5 tụt xuống 50 vào tháng 6. Trong đó, tốc độ tải xuống trung bình đạt 47,31 Mb/giây, tải lên 19,44 Mb/giây.
Mạng băng thông rộng cố định cũng tụt hai bậc xuống thứ 44. Tốc độ tải xuống trung bình tăng nhẹ từ 92,51 Mb/giây hồi tháng 4 lên 93,42 Mb/giây vào tháng 6, trong khi tốc độ tải lên giữ nguyên khoảng hơn 93 Mb/giây ba tháng qua.
Báo cáo mới cho thấy Internet Việt Nam thay đổi đáng kể về thứ hạng dù khắc phục xong chuỗi sự cố lớn nhất liên quan đến cáp quang biển nhiều năm qua. Hồi tháng 2, lần đầu tiên cả năm tuyến cáp kết nối Việt Nam đi quốc tế cùng gặp sự cố. Theo báo cáo của các nhà cung cấp dịch vụ Internet gửi Cục Viễn thông - Bộ Thông tin và Truyền thông, bốn tuyến IA, SMW3, AAE-1 và AAG đã hoàn thành sửa chữa và hoạt động bình thường trong tháng 5. Riêng tuyến APG được khắc phục vào ngày 29/6, nhưng phát sinh thêm lỗi và mới khắc phục được 50% lưu lượng.
Xếp hạng Internet toàn cầu không xáo trộn nhiều khi Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) vẫn giữ số một với tốc độ mạng di động và thứ hai ở tốc độ băng thông rộng cố định, sau Singapore. Khu vực Đông Nam Á còn một quốc gia khác nằm trong nhóm đầu là Thái Lan với vị trí thứ 6 về băng thông rộng cố định, tăng một bậc so với quý trước.
Tại Việt Nam, VinaPhone là nhà mạng cho tốc độ tải xuống trung bình nhanh nhất trong quý II/2023 với 52,39 Mb/giây, tiếp đến là Viettel và Mobifone với tốc độ lần lượt 49,46 và 35,77 Mb/giây. Mạng VinaPhone cũng có độ trễ trung bình của nhiều máy chủ tốt nhất (34), đứng trên Mobifone (36) và Viettel (40).
Ở bảng xếp hạng dành cho thiết bị, iPhone 14 Pro Max đạt tốc độ tải xuống trung bình cao nhất trong số các thiết bị phổ biến ở Việt Nam là 70,933 Mb/giây. Trong số bốn model còn lại, có ba của Apple là iPhone 13 Pro Max, iPhone 14 Pro, iPhone 13 và một đến từ Samsung là Galaxy S23 Ultra.
Theo Ookla, Speedtest sử dụng cơ sở hạ tầng với hơn 10.000 máy chủ tại hơn 190 quốc gia để đo kiểm tốc độ Internet thực tế của người dùng tới mạng trong nước hoặc quốc tế. "Điều này đảm bảo người dùng luôn có thể đo với máy chủ cục bộ bất kể họ ở đâu, đồng thời có cái nhìn chính xác về hiệu suất mạng mà không yêu cầu 'quá cảnh' ra quốc tế để thực hiện kiểm tra", website của công cụ này nêu.