Hãy khám phá về ngành học thú vị này qua bài viết sau
Định nghĩa về Logistics
Cho đến nay, chưa có thuật ngữ tiếng Việt chính xác tương ứng với từ logistics; cụm từ “hậu cần” chúng ta thường sử dụng cũng chỉ mang tính chất “tạm dịch”. Vì thế, chúng ta có thể chấp nhận từ logistics như một từ đã được Việt hóa, giống như các từ container hay marketing…
Có nhiều định nghĩa khác nhau về ngành logistics. Theo CSCMP – Hiệp hội Quản trị chuỗi cung ứng chuyên nghiệp, thì ngành Logistics được định nghĩa là: Một phần của chuỗi quản trị cung ứng. Bao gồm việc hoạch định, thực hiện, kiểm soát việc vận chuyển và dự trữ hiệu quả hàng hóa, dịch vụ cũng như thông tin liên quan từ nơi xuất phát đến nơi tiêu thụ để đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Hoạt động của quản trị logistics cơ bản bao gồm quản trị vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu; quản lý đội tàu; kho bãi; nguyên vật liệu; thực hiện đơn hàng; thiết kế mạng lưới logistics; quản trị tồn kho; hoạch định cung – cầu; quản trị nhà cung cấp dịch vụ thứ ba. Ở một mức độ khác nhau, các chức năng của logistics cũng bao gồm việc tìm nguồn đầu vào, hoạch định sản xuất, đóng gói, dịch vụ khách hàng. Quản trị logistics là chức năng tổng hợp và tối ưu hóa tất cả các hoạt động logistics cũng như phối hợp hoạt động logistics với các chức năng khác nhau như marketing, kinh doanh, sản xuất, tài chính, công nghệ thông tin.
Hiểu một cách đơn giản Logistics là vòng tròn bao gồm các hoạt động như: lưu trữ hàng hóa, bao bì, đóng gói, kho bãi, luân chuyển hàng hóa, làm thủ tục hải quan… nhằm đạt được mục đích sau cùng là chuyển sản phẩm, hàng hóa từ nhà cung cấp đến tay người tiêu dùng một cách tối ưu nhất.
Các cấp bậc trong nghề Logistics
Công việc của ngành Logistics rất đa dạng. Một số vị trí bạn có thể đảm nhận khi theo học ngành này như: Nhân viên xuất – nhập khẩu; nhân viên thu mua; nhân viên quản lý hàng hóa, phân phối sản phẩm ; nhân viên quản lý điều hành hoạt động vận tải; chuyên viên kiểm kê; điều phối viên vận tải; phân tích viên logistics;…
Nhìn chung, thu nhập của một nhân viên ngành Logistics sẽ phụ thuộc vào cấp bậc mà họ đảm nhận. Cụ thể:
– Logistics Officer: Vị trí này phù hợp với các bạn mới ra trường, chưa có nhiều kinh nghiệm. Mức lương khởi điểm thường từ 6 – 7 triệu đồng/ tháng.
– Logistics Supervisor: Đây được xem là cấp bậc thứ hai của nghề Logistics. Thường thì bạn sẽ được cất nhắc lên vị trí này nếu thể hiện tốt trong 1 -2 năm theo ngành. Mức lương vị trí này dao động từ 1000 – 1500$/tháng.
– Logistics Manager: Để trở thành Logistics Manager, bạn phải có ít nhất 3 năm kinh nghiệm cùng khả năng tiếng Anh lưu loát. Tùy vào từng công ty mà bạn có thể trực tiếp trở thành Logistics Manager mà không cần trải qua vị trí Logistics Officer. Mức lương cao nhất bạn có thể nhận tại ví trí này có thể lên tới 5000$/tháng.
– Logistics Director: Đây là vị trí đòi hỏi năng lực chuyên môn cao cũng như thành thạo các kỹ năng mềm và có ít nhất 8 năm kinh nghiệm. Tất nhiên bạn sẽ được trả lương xứng đáng cho những gì mình cống hiến, khoảng 4000$ – 6000$/tháng.
– Supply Chain Director: Là vị trí cao nhất, phụ trách mọi hoạt động logistics trong và ngoài nước. Mức lương của vị trí này khoảng 5000$ – 7000$/ tháng.