Tại sự kiện về đổi mới sáng tạo và quyền sở hữu trí tuệ ở Thẩm Quyến (Trung Quốc) tuần qua, ông Song Liuping, Giám đốc Pháp chế của Huawei, nói hãng "sẵn sàng chia sẻ bằng sáng chế đổi mới sáng tạo với cả thế giới để đóng góp vào sự phát triển chung". Họ cũng công bố phí bản quyền cho tất cả lĩnh vực công ty đang sở hữu, gồm thiết bị cầm tay 4G và 5G, thiết bị Wi-Fi 6 và sản phẩm IoT.
Cụ thể, mỗi thiết bị cầm tay 4G và 5G sẽ có phí bản quyền tối đa lần lượt 1,5 và 2,5 USD. Với mỗi thiết bị người dùng Wi-Fi 6, Huawei sẽ thu về 0,5 USD. Còn thiết bị IoT Centric có phí 1% trên giá bán thực tế, giới hạn ở mức 0,75 USD, trong khi thiết bị IoT nâng cao sẽ dao động trong khoảng 0,3-1 USD.
Ông Alan Fan, Phó chủ tịch kiêm Trưởng bộ phận sở hữu trí tuệ của Huawei, cho biết hãng đã ký gần 200 giấy phép bằng sáng chế song phương. Hơn 350 công ty cũng đã nhận được giấy phép để sử dụng bằng sáng chế của hãng thông qua mô hình liên kết. Doanh thu giấy phép năm 2022 của Huawei đạt 560 triệu USD.
Huawei hiện sở hữu hơn 3.000 bằng sáng chế liên quan tới 5G, cao nhất so với bất kỳ công ty nào trên thế giới. Hãng viễn thông Trung Quốc cũng đóng góp vào việc xây dựng các tiêu chuẩn ICT, như chương trình mã hóa đa phương tiện, Wi-Fi và di động.
Huawei tuyên bố là một trong những công ty sở hữu bằng sáng chế lớn nhất thế giới. Họ đã đầu tư 140,55 tỷ USD vào hoạt động R&D trong 10 năm qua. Riêng năm 2022, số tiền chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển là 23,23 tỷ USD, chiếm 25,1% tổng doanh thu cả năm. Hãng đứng thứ tư thế giới trong bảng xếp hạng đầu tư R&D công nghiệp năm 2022, theo Ủy ban Châu Âu.