Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã nhấn mạnh yêu cầu này trong phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị giao ban quản lý nhà nước quý 3/2023 với 63 Sở Thông tin và Truyền thông diễn ra ngày 11/9/2023.

Tại hội nghị, Bộ đã cũng các Sở Thông tin và Truyền thông làm rõ các vấn đề nổi cộm, vướng mắc kéo dài trong các lĩnh vực quản lý ngành, đồng thời đưa ra định hướng giải quyết, tháo gỡ dứt điểm.

BAN HÀNH CẨM NANG HƯỚNG DẪN CHUYỂN ĐỔI SỐ

Cụ thể như trong lĩnh vực bưu chính, chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số, công nghiệp ICT, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng nêu vấn đề chung ở các 63 Sở hiện nay là tình trạng thiếu nhân lực, chỉ có khoảng 1-2 người làm cho các lĩnh vực trên. Trong khi đó, ngành có nhiều vấn đề mới, cán bộ ở các Sở chưa rõ nội hàm nên chưa biết làm thế nào, chưa phát huy được vai trò tham mưu của quản lý nhà nước.

Để tháo gỡ khó khăn, đối với lĩnh vực kinh tế số, xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết đã cùng các Sở lựa chọn 30 nền tảng số cung cấp các chức năng miễn phí cho người dân và doanh nghiệp. Bộ sẽ xuất bản cuốn cẩm nang hướng dẫn chuyển đổi số để hướng dẫn từng người dân, hộ gia đình, làng xã có thể sử dụng 30 nền tảng số này.

trung-tam-chuyen-doi-so.jpg

Đối với việc thiếu nguồn nhân lực tại các Sở, lời giải chính là triển khai các nền tảng số quản lý nhà nước dùng chung trong toàn ngành. Các đơn vị của Bộ đã xác định 16 nền tảng số sẽ dùng chung phục vụ công tác quản lý nhà nước các lĩnh vực của Bộ. Dự kiến, 16 nền tảng số sẽ được công bố, tập huấn cho các Sở dùng trong cuối tháng 9 và đầu tháng 10/2023.

Đưa ra lời giải cho vấn đề này, Bộ trưởng nhấn mạnh việc ứng dụng công cụ số, trí tuệ nhân tạo AI để thay cho 60% công sức lao động, giúp gia tăng năng suất. Đối với việc khó, việc mới, khi giao việc, Bộ sẽ hướng dẫn, chỉ ra cách làm.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ sẽ hướng dẫn các Sở những công việc, cách làm, thời hạn hoàn thành các vấn đề chung cho toàn quốc, các tỉnh. Trong tháng 9/2023, Bộ sẽ ban hành hướng dẫn triển khai lĩnh vực chuyển đổi số.

Bộ trưởng cũng yêu cầu tháo gỡ dứt điểm những khó khăn của từng lĩnh vực, đặc biệt là của các sở, khó khăn mang tính nút thắt, kéo dài. Các sở phải nêu ra các vướng mắc tồn tại của từng lĩnh vực để giải quyết. Bên cạnh đó, các đơn vị Cục, Vụ thuộc Bộ cũng cần phải nhìn rõ những vấn đề nổi cộm của lĩnh vực quản lý ở địa phương. Các Sở Thông tin và Truyền thông và các đơn vị của Bộ coi đây là một nhiệm vụ quan trọng trong quản lý nhà nước.

Với những vấn đề, câu hỏi của các Sở đặt ra chưa có câu trả lời, Bộ sẽ giao cho các đơn vị nghiên cứu, thảo luận, tìm hiểu kinh nghiệm trong nước và quốc tế để tìm lời giải.

MỖI TỈNH SẼ THÀNH LẬP MỘT TRUNG TÂM VỀ CHUYỂN ĐỔI SỐ

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh yêu cầu mỗi tỉnh thành lập một trung tâm về chuyển đổi số do Sở Thông tin và Truyền thông quản lý. Đây sẽ là nơi tập hợp các giải pháp, ứng dụng chuyển đổi số của các doanh nghiệp; đồng thời thể hiện các lời giải, những việc phải làm, cách làm giống như một cẩm nang mà Bộ ban hành.

Do đây là trung tâm chuyển đổi số, trung tâm số nên không gian không cần quá rộng, diện tích chỉ khoảng 30-40 m2 để các doanh nghiệp ở Trung ương cũng như địa phương giới thiệu các giải pháp công nghệ chuyển đổi số.

Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ giúp các địa phương hình thành một trung tâm chuyển đổi số mẫu. Trung tâm sẽ là nơi để tỉnh, các đơn vị, sở ban ngành, huyện, xã, doanh nghiệp muốn chuyển đổi số đến tham quan tìm hiểu một cách trực quan.

Cùng với trung tâm dữ liệu, các trung tâm giới thiệu sản phẩm, dịch vụ, giải pháp ứng dụng chuyển đổi số sẽ là sức mạnh của các sở Thông tin và Truyền thông.

Bộ trưởng giao Cục chuyển đổi số quốc gia kết hợp với một tỉnh làm mẫu, sau đó hướng dẫn cho các tỉnh khác cùng triển khai.

Người đứng đầu ngành Thông tin và Truyền thông khẳng định, chuyển đổi số đã đến lúc cần làm những việc cụ thể, triển khai ứng dụng mạnh mẽ trong thực tế.

Hiện nay, hầu như các ứng dụng, giải pháp chuyển đổi số đều đã có và 90% đã sẵn sàng để giới thiệu tới các doanh nghiệp. Trong trung tâm sẽ giới thiệu cụ thể những doanh nghiệp có giải pháp xuất sắc nhất trong lĩnh vực này đã được các cơ quan chức năng đánh giá; đồng thời chú trọng thông tin cách làm, về giá cả. Trung tâm chuyển đổi số sẽ giải quyết các vấn đề thực tiễn đang còn khó khăn, băn khoăn của các địa phương.

Bộ trưởng yêu cầu Cục chuyển đổi số quốc gia trong tháng 10 chọn 1 địa phương để triển khai làm mẫu, khai trương trung tâm chuyển đổi số.

- Tính đến ngày 4/9/2023, cả nước 63/63 tỉnh, thành phố đã thành lập 76.905 Tổ công nghệ số cộng đồng và 356.914 thành viên tham gia Tổ cấp xã, thôn, phố; 53/63 tỉnh, thành phố hoàn thành 100% đến cấp xã. 10 tỉnh, thành phố chưa hoàn thành 100% đến cấp xã: Bình Dương, Cà Mau, Đắk Lắk, Đồng Tháp, Nghệ An, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Nam, Tây Ninh, TP. Hà Nội.
- Tính đến 4/9/2023 đã có 18,053 triệu lượt truy cập vào nền tảng học trực tuyến mở đại trà.
- 100% Bộ, ngành, địa phương đã ban hành kiến trúc chính quyền điện tử 2.0 (22/22 bộ, ngành và 63/63 tỉnh, thành phố xây dựng, cập nhật Kiến trúc 2.0).
- 5/22 bộ, ngành; 63/63 địa phương đã ban hành Nghị quyết, Chỉ thị về chuyển đổi số.
- 100% bộ, ngành và địa phương đã kiện toàn, thành lập Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số.
- 100% bộ, ngành và địa phương đã ban hành Kế hoạch/Đề án về chuyển đổi số (22/22 bộ, ngành; 63/63 tỉnh, thành phố).