Một tối giữa tháng 7, Matthew, một giám đốc công nghệ, cảm thấy buồn chán và muốn tìm thứ gì đó trên mạng để giải trí. Ông mở laptop, vào Google Search và tìm kiếm Midjourney - trình AI tạo ảnh từ văn bản nổi tiếng - rồi bấm vào kết quả đầu tiên ông nhìn thấy.

Matthew nghĩ mình đã tải xuống Midjourney. Thực tế, liên kết ông nhấp vào là đề xuất quảng cáo của Google và website ông truy cập là trang lừa đảo, được tạo y hệt trang của Midjourney, trừ chữ o đã được thay bằng số 0.

Với chuyên môn của mình, Matthew sau đó phát hiện ông vô tình cài đặt phần mềm độc hại có thể quét máy tính để tìm kiếm tên người dùng và mật khẩu đã được lưu, sau đó tự động chuyển về máy chủ của hacker. Toàn bộ tiền số trị giá hàng trăm nghìn USD trong ví Coinbase của ông đã không cánh mà bay.

"Đó là toàn bộ cuộc sống của tôi", Matthew nói. "Tôi giờ đây cảm thấy thật vô vọng, sợ hãi và tổn thương".

Ông tự trách bản thân không tìm hiểu kỹ bởi thực tế, Midjourney chưa có phiên bản ứng dụng mà chỉ được truy cập qua kênh Discord. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng Google cần có trách nhiệm vì đã để một trò lừa đảo xuất hiện ở đầu trang kết quả.

Đến cuối tháng 7, quảng cáo Matthew bấm vào đã biến mất, nhưng vẫn có hàng loạt website giả mạo Midjourney hiển thị gần đầu kết quả tìm kiếm của Google. "Tôi đã tin tưởng họ, nhưng đó là sai lầm", ông nói.

Ned Adriance, phát ngôn viên Google, từ chối bình luận trường hợp cụ thể của Matthew và danh sách kết quả tìm kiếm giả mạo, nhưng khẳng định nền tảng nghiêm cấm nội dung lừa đảo. Google đã xóa 5,2 tỷ quảng cáo vào năm ngoái vì vi phạm chính sách.

"Dù có kẻ xấu cố gắng phá vỡ các biện pháp bảo vệ, hệ thống của Google vẫn đạt hiệu quả cao trong việc hiển thị thông tin chất lượng cao cũng như chống lại thư rác và hành vi độc hại", Adriance cho hay.

Tồn tại hơn thập kỷ nhưng không thể loại bỏ

Tình trạng quảng cáo lừa đảo xuất hiện ở đầu trang Google Search đã tồn tại từ lâu. Chỉ cần trả tiền, chúng dễ dàng lách hệ thống kiểm soát của Google. Dù đã gán nhãn "Được tài trợ", chúng vẫn có thể đánh lừa người dùng do kích thước nhãn dán quá nhỏ, khiến nhiều người không để ý và lầm tưởng là một kết quả hoàn toàn khách quan và đáng tin cậy.

Trong khi đó, hình thức hoán đổi chữ o và số 0 đã xuất hiện từ nhiều năm qua, nhưng nền tảng như Google vẫn chưa thể khắc phục. "Trường hợp của Matthew đặt ra câu hỏi về cái giá phải trả cho việc Google thống trị thị trường tìm kiếm nhưng lại không có khả năng kiềm chế các trò gian lận", Bloomberg bình luận. "Thời gian tới, khi các hình thức tìm kiếm bằng AI như Google Bard phổ biến, việc xác định nguồn gốc thông tin có thể càng khó khăn hơn".

Trên diễn đàn Reddit, hàng loạt chủ đề cảnh báo người dùng cẩn thận khi nhấp vào kết quả từ Google, nhất là những liên kết đầu tiên vì hầu hết là quảng cáo. Cuối tháng 7, Shmuli Evers, nhà thiết kế kỹ thuật số, phát hiện kẻ xấu đã đánh lừa Google cung cấp số điện thoại giả mạo của Delta Airlines và các hãng vận chuyển lớn khác để bán vé giả.

Google đã sửa lỗi sau khi Evers phản ánh trên Twitter về vấn đề. "Những vụ lừa đảo kiểu này đã xảy ra hàng năm trong 15 năm qua. Google từ lâu đã đẩy xã hội phải trả giá cho những trò gian lận như vậy", Mike Blumenthal, đồng sáng lập của Near Media - công ty tư vấn cho các doanh nghiệp về tiếp thị kỹ thuật số và tìm kiếm, nhận xét.

Việc thao túng kết quả tìm kiếm Google giờ đây càng trở nên tinh vi sau khi các mô hình AI tạo sinh như ChatGPT bùng nổ. Theo Atlantic, điều này khiến người dùng ngày càng phải chật vật trong việc lọc ra các kết quả phù hợp mà không bị lừa, hoặc phải dùng đến thủ thuật. Chẳng hạn, khi tra cứu, họ thường phải kèm nội dung với một nguồn uy tín để đảm bảo nhận về kết quả tốt nhất.

"Lúc này, Google vẫn là lựa chọn hàng đầu nếu tôi tìm thứ gì đó đơn giản như Midjourney. Tuy nhiên, tôi hy vọng kết quả xuất hiện đầu tiên sẽ là website của Midjourney", Matthew nói. "Nhưng đó là vấn đề đôi khi họ không làm được".