Triển lãm và Hội nghị Tech4life 2023 là hoạt động nhằm hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số Quốc gia 10-10, do Sở TT&TT TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) đồng tổ chức.
Tech4Life là sự kiện công nghệ thường niên được tổ chức từ năm 2022 trọng tâm hướng đến giới thiệu, cập nhật các xu hướng, sản phẩm, nền tảng giải pháp thông minh phục vụ chuyển đổi số cho các tổ chức doanh nghiệp và thông minh hóa cuộc sống của con người với các hoạt động: Triển lãm, Hội nghị, kết nối giao thương.
Với chủ đề “Công nghệ nâng tầm cuộc sống”, Triển lãm và Hội nghị Tech4life 2023 được tổ chức trong hai ngày 04-05/10, kết cấu theo 3 trụ cột chính là Xã hội số; Kinh tế số và Chính quyền số. Trong đó, có 7 Hội thảo chuyên đề chuyển đổi số thúc đẩy Kinh tế số - Xã hội số với sự tham gia của hơn 60 diễn giả; cùng hơn 60 gian hàng trưng bày thiết bị, giải pháp công nghệ... Theo đại diện Ban tổ chức, sự kiện ước tính sẽ thu hút hơn 3.000 lượt đại biểu tham dự các hoạt động.
TP. Hồ Chí Minh trên lộ trình phát triển kinh tế số
Trong năm 2022, kinh tế số tại TP. Hồ Chí Minh đã đóng góp GRDP ước đạt khoảng 1.479.227 tỉ đồng, tỷ trọng đóng góp kinh tế số trong GRDP ước đạt khoảng 19%. Thành phố đang đặt mục tiêu phấn đấu tỷ trọng kinh tế số 25% đến năm 2025, và 40% vào năm 2030 – cao hơn mục tiêu quốc gia 5-10% để tiếp tục là đầu tầu kinh tế cả nước.
Phát biểu tại Phiên Khai mạc với chủ đề “Công nghệ số & Dữ liệu số - Công cụ đột phá Kinh tế số TP. Hồ Chí Minh”, ông Lâm Đình Thắng - Giám đốc Sở TT&TT TP. Hồ Chí Minh - cho biết, công tác chuyển đổi số của Thành phố trong thời gian qua ngày càng được tăng tốc và phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Trong đó, chính quyền số được lãnh đạo thành phố rất quan tâm chỉ đạo quyết liệt, bởi lẽ, chính quyền chuyển đổi số thành công nhanh thì nền hành chính sẽ hiệu quả hơn và phục vụ cho người dân, doanh nghiệp tốt hơn, thúc đẩy các lĩnh vực kinh tế - xã hội phát triển nhanh hơn.
Cùng đó, TP. Hồ Chí Minh được xếp thứ 2/63 tỉnh thành về chỉ số chuyển đổi số quốc gia; UBND TP. được Tổ chức Công nghiệp Điện toán châu Á – châu Đại Dương (ASOCIO) tặng giải thưởng ASOCIO 2023 cho hạng mục chính quyền số xuất sắc.
Với tầm nhìn đến năm 2030: “Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh với sự đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động của bộ máy chính quyền số, của các doanh nghiệp số và sự thịnh vượng, văn minh của một xã hội số”, ngay từ năm 2018, khi xây dựng kiến trúc Chính quyền điện tử,Thành phố đã xác định “Tận khai thác dữ liệu” là một nhiệm vụ trọng tâm và Kho dữ liệu dùng chung là giải pháp thực hiện xuyên suốt trong lộ trình rút ngắn khoảng cách giữa hiện trạng về kiến trúc mục tiêu đến năm 2025.
Theo đó, Giai đoạn 1 (2017-2021) dành cho tạo lập nền tảng, xây dựng Hạ tầng và Dữ liệu; Giai đoạn 2 (2022-2025) là phát triển và khai thác dữ liệu, đồng thời thực hiện Chuyển đổi số.
Liên quan đến vấn đề khai thác dữ liệu, bà Võ Thị Trung Trinh - Phó Giám đốc Sở TT&TT TP. Hồ Chí Minh - cho biết: "Thành phố tập trung xây dựng 3 nhóm dữ liệu: Nhóm dữ liệu về người dân; Nhóm dữ liệu tài chính – doanh nghiệp; Nhóm dữ liệu về đất đai – đô thị đồng thời mở rộng xây dựng Hạ tầng số và tăng cường ATTT; Triển khai nền tảng số của các HTTT quy mô thành phố, thực hiện chuyển đổi số, xây dựng hệ sinh thái sáng tạo, đổi mới, triển khai chương trình AI, nền tảng dữ liệu mở. Đây là những nền tảng cơ bản để thúc đẩy phát triển đột phá kinh tế số cho TP.".
Để công nghệ thực sự "nâng tầm cuộc sống"
Tại sự kiện, bà Nguyễn Trúc Vân - Giám đốc Trung tâm Mô phỏng và Dự báo Kinh tế - Xã hội TP. Hồ Chí Minh - đề xuất 6 trụ cột gần tương tự. Đặc biệt, về phát triển kinh tế số, Lãnh đạo Trung tâm đề xuất: “Với tầm nhìn trở thành người dẫn đầu khu vực về nền kinh tế kỹ thuật số và đạt được sự phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, có trách nhiệm và bền vững, TP. Hồ Chí Minh cần tăng cường Tăng cường khả năng cạnh tranh kinh tế thông qua số hóa bao gồm: Tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng, tiếp cận và sử dụng hiệu quả công nghệ kỹ thuật số ở mọi quy mô doanh nghiệp và mức độ trưởng thành về kỹ thuật số; Thúc đẩy phát triển ngành bằng cách tăng cường sự tham gia của địa phương; Xây dựng khung pháp lý để đáp ứng nền kinh tế kỹ thuật số và khuyến khích các mô hình kinh doanh đổi mới; và Phát triển cụm công nghiệp số và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp.”
Ngoài những tham luận, ý kiến đóng góp tại Hội thảo, Tech4life 2023 còn có khu triển lãm và demo các sản phẩm - giải pháp tiêu biểu, mang đến tiện ích cho cuộc sống của người dân. Các công nghệ và sản phẩm được giới thiệu theo từng nhóm chủ đề như: Nhà thông minh (Smarthome) và di chuyển thông minh, Smart Mobility, Công nghệ giáo dục số (Edutech), và Y tế số (HealthTech)...
Đặc biệt, TP. HCM đang hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe không chỉ của Việt Nam mà của khu vực ASEAN với hệ sinh thái y tế 6.000 cơ sở khám, chữa bệnh. Bên cạnh những tiện tích chăm sóc sức khỏe từ xa, AI trong chẩn đoán, khám - chữa bệnh, Tech4life 2023 còn giới thiệu những giải pháp số quản trị, phát triển các bệnh viện, cơ sở chăm sóc sức khỏe hiệu đại.
Bên cạnh việc thảo luận, hướng dẫn, giới thiệu các giải pháp, VINASA cùng các doanh nghiệp công nghệ còn đưa ra nhiều gói hỗ trợ đặc biệt ngay tại sự kiện dành cho các doanh nghiệp trong công cuộc chuyển đổi số bằng cách kết nối, tư vấn chuyển đổi số giữa chuyên gia, giảm giá, tặng voucher ưu đãi cho khách hàng ngay tại khuôn khổ sự kiện.