Tại buổi tiếp ông Paul Hutchings, Giám đốc Tổ chức Google vì Giáo dục (Google for Education) khu vực Đông Nam Á, Úc và New Zealand nhân chuyến công tác của đoàn tại TP.HCM, ngày 09/8, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM Dương Anh Đức cho biết TP.HCM rất quan tâm đến đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là phục vụ cho chuyển đổi số, và muốn đặt nền tảng phát triển dựa trên công nghệ, trí tuệ nhân tạo (AI).

Việc đưa kiến thức về chuyển đổi số, AI sớm vào giáo dục là vấn đề được ngành giáo dục Thành phố quan tâm. Cũng theo ông Đức, Thành phố rất quan tâm đến nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đào tạo đại học đồng thời xem công nghệ thông tin là một công cụ hiệu quả để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. “Vấn đề hiện nay TP.HCM mong có có đủ giáo viên đủ trình độ để truyền đạt đến sinh viên và đánh giá mức độ tiếp thu kiến thức của sinh viên Thành phố. Nâng cao mức độ dạy nghề và đại học để sinh viên khi ra trường đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng”, ông Đức nhấn mạnh.

Google for Education từng có thời gian 2 năm nghiên cứu và làm việc với Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, cụ thể đã triển khai nghiên cứu việc dạy học tại Việt trong thời gian qua tại TP.HCM, Hà Nội, Cần Thơ, cung cấp nhiều công cụ hỗ trợ day và học trực tuyến miễn phí của Google, tạo được nhiều sự chuyển biến tích cực khi áp dụng chuyển đổi số trong giáo dục.

vna-potal-thanh-pho-ho-chi-minh-va-google-hop-tac-chuyen-doi-so-giao-duc-6872757.jpg
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức (người thứ tư từ phải sang) chụp ảnh lưu niệm với Giám đốc Google for Education (người thứ năm từ phải sang), trong chuyến thăm và làm việc của đoàn tại TP.HCM. Ảnh: Xuân Khu/TTXVN.

Là đối tác hỗ trợ hợp tác với Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM trong công tác nâng cao chất lượng đào tạo giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực trong thời gian qua, vị đại diện Google for Education đã đưa ra nhiều cam kết chính thức với lãnh đạo Thành phố, đồng thời giới thiệu Công ty AI Education, đối tác ủy quyền tại Việt Nam để thực hiện các chương trình hành động chung.

Các chương trình bao gồm: Tư vấn và hỗ trợ về việc triển khai Workspace for Education miễn phí, đào tạo nhân sự về quản lý hệ thống các dịch vụ của Workspace for Education; xây dựng và triển khai kế hoạch đào tạo cán bộ quản trị công nghệ thông tin do Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, xây dựng và triển khai kế hoạch đào tạo “Giáo viên tiên phong kỹ năng số” để đạt các chứng chỉ “Giáo viên Google” (Google Educator), cung cấp các chương trình đào tạo chuẩn quốc tế của Google,…

Workspace for Education là bộ công cụ cộng tác và giao tiếp miễn phí của Google để học tập ở mọi nơi mọi lúc trên mọi thiết bị. Kể từ khi ra mắt cách đây 15 năm, Google đã cung cấp Workspace for Education miễn phí trên khắp thế giới cho các trường học và nhân viên của ngành giáo dục.

Chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục và đào tạo TP.HCM trong giai đoạn hiện nay; đặc biệt trong giai đoạn 2 năm chịu tác động bởi dịch Covid-19, 2020 – 2021, việc ứng dụng dạy và học trực tuyến qua các công cụ, ứng dụng đã thấy rõ tính hiệu quả bước đầu của công tác chuyển đổi số.

Theo một kết quả khảo sát về các chỉ số sẵn sàng áp dụng công nghệ vào giáo dục ở TP.HCM gần đây, ghi nhận 88% trường học trên địa bàn Thành phố đã có chiến lược kỹ thuật số, hoặc kế hoạch kết hợp sử dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy và quản lý trường học; 82% học sinh sử dụng các thiết bị kỹ thuật số một cách an toàn và phù hợp; 78% học sinh cải thiện quá trình học tập nhờ vào sử dụng công nghệ thông tin.

Về phía người dạy, kết quả khảo sát nói trên cho biết: 77% giáo viên cho biết rất tự tin chuẩn bị các bài thuyết trình để sử dụng trên lớp; 73% giáo viên sử dụng công nghệ thông tin đánh giá kết quả học tập của học sinh; 64% giáo viên tham gia sử dụng các tài nguyên dùng chung trên Internet.

Bên cạnh các ưu điểm nổi bật nêu trên, khảo sát cũng cho thấy ngành giáo dục Thành phố vẫn còn tồn tại một số khó khăn, bất cập. Chẳng hạn, chỉ có 4% trường học có các thiết bị kỹ thuật số được điều chỉnh để phục vụ học sinh khuyết tật; 70% trường học có băng thông hoặc tốc độ internet chỉ đủ dùng, trong đó có 67% trường học kết nối internet ổn định; 42% giáo viên cho biết các tài nguyên số được liên kết với sách giáo khoa…