Sau khi thử nghiệm tại Nghệ An vào tháng 5, VNSky, thuộc VnPay, mở rộng ra toàn quốc từ 7/7.

Khác với các nhà mạng truyền thống, mạng di động ảo (MVNO) không sở hữu hạ tầng, mà cung cấp dịch vụ viễn thông bằng cách mua lưu lượng từ đơn vị có sẵn, sau đó bán lẻ cho người dùng. Trong trường hợp của VNSky, nhà mạng sử dụng hạ tầng từ MobiFone và dự kiến có thể mở rộng thêm các đối tác khác trong tương lai.

Đầu số 077 của nhà mạng VNSky. Ảnh: Lưu Quý
Đầu số 077 của nhà mạng VNSky. Ảnh: Lưu Quý

Theo đánh giá của Cục Viễn thông - Bộ Thông tin và Truyền thông, MVNO là mô hình mới tại Việt Nam. Mô hình này cho phép triển khai nhanh dịch vụ trên toàn quốc, tiết kiệm hạ tầng và tài nguyên. Dù phụ thuộc về hạ tầng, nhà mạng di động ảo thường sẽ tập trung vào thiết kế sản phẩm phù hợp với các nhóm người dùng. Phần lớn mạng di động ảo hiện đều thuộc một công ty lớn, có hệ sinh thái sản phẩm liên quan đến người dùng cuối.

Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc VNSky, sự bùng nổ của những nền tảng kết nối, học tập, giải trí và kinh doanh online kéo theo nhu cầu sử dụng dữ liệu di động ngày càng cao. Điều này khiến việc dùng một sim có thể không đáp ứng đủ nhu cầu của người dùng.

"Việc thừa hưởng lợi thế về hạ tầng viễn thông sẵn có giúp nhà mạng có vùng phủ sóng trên toàn quốc ngay lập tức. Nhà mạng sẽ tập trung nguồn lực vào nghiên cứu, phát triển những dịch vụ số và viễn thông", ông Dũng nói.

Ngoài VNSky, thị trường Việt Nam có ba nhà mạng di động ảo đang hoạt động gồm iTel (đầu số 087) và Reddi (đầu số 055), Local (đầu số 089) hợp tác cùng Vinaphone và MobiFone. Trong tháng 6, FPT Retail cũng đã có giấy phép mạng di động ảo, dự kiến hợp tác với MobiFone để cung cấp dịch vụ.

Theo thống kê của Cục Viễn thông tính đến hết tháng 4, các nhà mạng di động ảo ở Việt Nam thu hút được 2,56 triệu thuê bao, chiếm 2,1% tổng thuê bao di động. Ngoài ra, thị trường đang có 5 doanh nghiệp viễn thông sở hữu hạ tầng và tần số gồm VinaPhone, Viettel, MobiFone, Vietnammobile, Gtel.