Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Bùi Thế Duy đã nhấn mạnh như vậy tại "Diễn đàn Hợp tác và Đối tác trí tuệ nhân tạo (AI) và chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế Việt Nam - Hàn Quốc 2023" do Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ thông tin Hàn Quốc chủ trì tổ chức tại Hà Nội trong 2 ngày 9-10/6.
Trong lĩnh vực Y tế, một chuyên gia, bác sĩ dù giỏi đến đâu thì cũng chỉ có một quỹ thời gian hữu hạn trong đời và một bộ não để tích lũy kinh nghiệm. Nhưng trí tuệ nhân tạo cho phép tích lũy được kinh nghiệm chữa bệnh của hàng nghìn, hàng triệu chuyên gia y tế.
Diễn đàn nhằm thúc đẩy mối quan hệ hợp tác phát triển chung nhằm trao đổi thông tin và tìm kiếm cơ hội hợp tác trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số y tế của Việt Nam - Hàn Quốc, đồng thời. Đây còn là dịp để các bộ, ngành, cơ quan khối nhà nước cũng như các doanh nghiệp khối tư nhân của hai nước cùng nhau chia sẻ các thông tin liên quan đến những ứng dụng của AI & DX trong y tế. Đồng thời, đến tham dự diễn đàn, các đại biểu và khách mời cũng được xem, tìm hiểu và trải nghiệm sản phẩn có ứng dụng AI trong lĩnh vực Y tế của hàn Quốc.
Trong phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bùi Thế Duy bày tỏ: "Tôi thực sự ấn tượng khi cùng Thứ trưởng Park Yun Gyu khi đi tham quan các gian trưng bày tại đây và được chứng kiến, trải nghiệm những thành tựu về công nghệ AI và chuyển đổi số ứng dụng trong nhiều lĩnh vực đời sống và đặc biệt trong chăm sóc sức khỏe. Điều đó mở ra nhiều những hy vọng mới trong chăm sóc sức khỏe cho người dân".
Theo ông, thời gian vừa qua, sự phát triển của công nghệ số, ở các đơn vị, doanh nghiệp lớn về trí tuệ nhân tạo đã thúc đẩy sự phát triển của khoa học công nghệ nói chung cũng như kinh tế xã hội trên toàn thế giới. Việt Nam và Hàn Quốc vừa công bố nâng tầm quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia thì những sự hợp tác như về công nghệ chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, đặc biệt trong lĩnh vực y tế cần được thúc đẩy.
Công nghệ số giúp tích lũy tất cả tri thức, kinh nghiệm của nhân loại, điều đó giúp cho công việc của chúng ta tốt hơn, thuận lợi hơn.Công nghệ số, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo giúp cho chúng ta tích luỹ được các tri thức của nhân loại.
Trong lĩnh vực Y tế cũng vậy, một chuyên gia, bác sĩ dù giỏi đến đâu thì cũng chỉ có một quỹ thời gian hữu hạn trong đời và một bộ não để tích lũy kinh nghiệm. Nhưng trí tuệ nhân tạo cho phép tích lũy được kinh nghiệm chữa bệnh của hàng nghìn, hàng triệu chuyên gia y tế từ rất nhiều các quốc gia khác nhau. Do đó, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực y tế càng cần được hợp tác, triển khai từ nhiều quốc gia. Từ đó sẽ mang lại nhiều hy vọng hơn cho người bệnh, người dân được chăm sóc sức khỏe tốt hơn.
Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng AI trong khám chữa bệnh
Cũng tại diễn đàn, ngoài những chia sẻ về ứng dụng trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số trong lĩnh vực Y tế của các đại diện tới từ Hàn Quốc như phát biểu của ông Yu Hoi Il, phó chánh văn phòng Bộ Khoa học công nghệ thông tin truyền thông Hàn Quốc với nội dung "Chính sách phát triển chăm sóc sức khoẻ số và AI của Hàn Quốc"; bài thuyết trình của ông Cho Kyeong Sik, đại diện của LUNIT về "đổi mới chăm sóc sức khoẻ thông qua AI – tầm soát ung thư hiệu quả và chính xác". Đây là giải pháp phân tích AI chụp nhũ ảnh giúp phát hiện các khối u ác tính với độ chính xác lên tới 96%. Ngoài ra, giải pháp này còn được ứng dụng trong phát hiện bất thường của vùng ngực như ung thư phổi, viêm phổi, lao hay tràn khí màng phổi...
Các khách mời còn được lắng nghe những chia sẻ từ phía các đại diện của Việt Nam. Theo đó, TS. Trần Anh Tú - Phó cục trưởng Cục Công nghệ cao bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam trình bày về Chính sách và chiến lược AI của Việt Nam; Các chuyên gia y tế như PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã có những chia sẻ về chủ đề "Định hướng sức khỏe số của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và hợp tác nghiên cứu AI Y tế trong chăm sóc bệnh tiểu đường và ung thư vú với KT - Hàn Quốc"; PGS.TS. Trần Thị Thanh Hương - Viện trưởng Viện nghiên cứu Viện Ung thư quốc gia Việt Nam tham luận về chủ đề "Định hướng sức khỏe số của Viện Ung thư Quốc gia và hợp tác nghiên cứu với KT về AI Y tế trong chăm sóc bệnh ung thư và ung thư tuyến giáp trực tuyến"...
PGS. Nguyễn Lân Hiếu cho biết, tại Việt Nam hiện nay, số lượng người cao tuổi đang tăng rất nhanh dẫn đến nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng lớn, cùng đó, sự chuyển đổi mô hình bệnh tật cũng rất rõ ràng, từ bệnh lây nhiễm sang không lây nhiễm như đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh phổi mãn tính tắc nghẽn… Vì vậy việc ứng dụng công nghệ AI là thách thức và cũng là cơ hội rất lớn cho ngành y của chúng ta.
Tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội - đơn vị y tế đầu tiên khai trương ứng dụng khám chữa bệnh từ xa - teleheath và từ đó tạo nên một trào lưu rất mạnh trong suốt thời gian diễn ra đại dịch. Đặc biệt, việc hội chẩn từ xa qua Telehealth - nền tảng giúp tập hợp chẩn đoán số giữa nhiều bác sĩ, bệnh việc tham gia hội chẩn được đưa vào ứng dụng tại hàng trăm bệnh viện trong cả nước, với hàng nghìn ca bệnh được hội chẩn từ xa.
"Nền tảng này cho phép nhiều nhóm bác sĩ từ nhiều bệnh viện khác nhau cùng hội chẩn online thay vì 2 bác sĩ, 2 bệnh viện khác nhau như trước đây. Từ đó tạo nên uy tín cho các bệnh viện từ thành phố tới địa phương và giúp đỡ trực tiếp cho người bệnh đang được hội chẩn và người dân hiểu hơn về sự kết nối y tế là không giới hạn, họ sẽ tin tưởng và an tâm hơn. Công nghệ mới này giúp chúng tôi có thể khám bệnh từ xa hay khám bệnh tại nhà cho người dân một cách hiệu quả hơn"- PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu bày tỏ.