Nắm vững các thuật ngữ trong quảng cáo Google Ads là điều cần thiết để thực hiện hiệu quả các chiến dịch.

Trong bài này, tôi đã sưu tầm và biên soạn lại danh sách các thuật ngữ và giải thích các khái niệm kèm theo. Hy vọng bạn thấy hữu ích.

Và đây là danh sách được phân thành một số nhóm để bạn dễ tra cứu:

Các thuật ngữ khi thiết lập quảng cáo

Mạng tìm kiếm (Google Search)

Chính là các quảng cáo xuất hiện trong trang kết quả tìm kiếm (SERP) của Google khi người dùng gõ 1 từ khoá mà bạn đang chạy quảng cáo. Thường có tối đa 4 vị trí đầu trang, và 3 vị trí ở cuối trang.

Quảng cáo trên mạng tìm kiếm Google

Mạng hiển thị là gì? (Google Display Network - GDN)

Mạng hiển thị GDN là hệ thống các trang web đối tác của Google có đặt mã quảng cáo Google Adsense, cho phép hiển thị mẫu quảng cáo dạng banner trên đó.

Quảng cáo trên mạng hiển thị của GoogleQuảng cáo xuất hiện trên mạng hiển thị Google

Chiến dịch quảng cáo là gì? (Google Ads Campaign)

Chiến dịch quảng cáo là tập hợp các nhóm quảng cáo có chung ngân sách, có cùng thiết lập vị trí (location targeting) và các thiết lập khác, nhằm thực hiện 1 mục tiêu chung nào đó. Ví dụ: chiến dịch quảng cáo trang phục áo dài dịp hè thu trong khu vực Hà Nội.

Nhóm quảng cáo là gì? (Ad group)

Nhóm quảng cáo gồm các mẫu quảng cáo có cùng mục tiêu (target). Vì thế bạn nên dùng nhóm để phân loại các mẫu quảng cáo có cùng chủ đề, để thuận tiện cho việc quản lý và theo dõi hiệu quả. Chẳng hạn, trong chiến dịch trên, thì lại chia nhóm quảng cáo áo dài truyền thống, áo dài hiện đại...

Mỗi chiến dịch gồm 1 hoặc nhiều nhóm quảng cáo.

Mẫu quảng cáo (Ad)

Là đoạn quảng cáo cụ thể sẽ hiển thị cho người dùng xem. Trong đó thường gồm tiêu đề, đường dẫn, mô tả, các thông tin tiện ích mở rộng… Chi tiết các thành phần này trong phần dưới.

Tiện ích mở rộng (Extension)

Tiện ích mở rộng là những thành phần được đưa vào mẫu quảng cáo để cung cấp thêm thông tin, nhằm thuyết phục khách hàng xem sản phẩm dịch vụ của bạn. Có nhiều loại tiện ích như: địa chỉ địa điểm kinh doanh, link liên kết, số điện thoại... Tìm hiểu thêm về tiện tích mở rộng.

Trang đích (Landing Page)

Là trang web mà bạn muốn người dùng ghé thăm khi họ xem và nhấp vào quảng cáo của bạn. Việc của bạn là cần tối ưu trang này để người dùng hài lòng và thực hiện hành động mà bạn mong muốn, chẳng hạn như gọi điện đặt hàng. 

Google Keyword Planner là gì?

Google Keyword Planner (GKP) là công cụ miễn phí rất hữu dụng dùng để nghiên cứu và thiết lập từ khóa cho các chiến dịch chạy quảng cáo trên Google. Ngoài ra, đây cũng là Tool được sử dụng rất nhiều trong quá trình làm SEO Website.

Từ khóa (Keyword)

Là cụm từ mà khi người dùng tìm kiếm thì Google sẽ hiển thị mẫu quảng cáo của bạn trên trang kết quả. Chẳng hạn, bạn quảng cáo cho từ khóa “tour du lịch Hạ Long”, thì người dùng sẽ thấy quảng cáo của bạn khi họ search cụm từ này.

Đối sánh từ khóa (Match)

Là cách bạn thiết lập sự liên quan giữa từ khóa mà bạn quảng cáo, so với cụm từ mà người dùng tìm kiếm. Mối quan hệ này có thể là trùng khớp, hoặc bao gồm nhau, hoặc liên quan về ngữ nghĩa với nhau.

Để hiểu rõ khái niệm, tôi lấy ví dụ trường hợp bạn muốn quảng cáo cho cụm từ “cửa cuốn Đài Loan”.

Có 3 loại đối sánh (quan hệ), minh họa cho từ khóa nêu trên:

  1. Đối sánh chính xác: Quảng cáo chỉ xuất hiện nếu người dùng tìm đúng cụm từ mà bạn quảng cáo “cửa cuốn Đài Loan”, không thừa không thiếu chữ nào. Nếu ai đó tìm cụm từ “mua cửa cuốn Đài Loan” thì do thừa từ “mua” ở phía trước nên quảng cáo của bạn không hiển thị. Loại đối sánh này là hẹp nhất, nhưng an toàn về mặt chi phí vì không ngại bị mất phí quảng cáo cho những từ không giống hệt từ khóa.
  2. Đối sánh cụm từ: Quảng cáo sẽ xuất hiện nếu cụm từ người dùng tìm có chứa 100% cụm từ của bạn, nhưng có thể có thêm đoạn đầu và đoạn đuôi một số từ khác. Chẳng hạn, nếu ai đó tìm từ “mua cửa cuốn Đài Loan nhập khẩu” thì vẫn có thể thấy quảng cáo của bạn.
  3. Đối sánh rộng: Là loại rộng nhất, quảng cáo hiển thị khi có đủ những từ trong cụm từ khóa của bạn, nhưng ở vị trí và trật tự thay đổi mà Google “nghĩ” rằng có liên quan đến từ khóa của bạn. Nghĩa là nếu ai đó tìm cụm từ “mua cửa cuốn nhập khẩu Đài Loan giá rẻ” thì vẫn xem được quảng cáo của bạn.

Các thuật ngữ trong cấu trúc mẫu quảng cáo

URL đích (Final URL)

Chính là đường dẫn của trang đích (landing page) - là trang web mà người xem quảng cáo ghé thăm khi họ nhấp vào quảng cáo của bạn.

Tiêu đề quảng cáo (Headline)

Là dòng nội dung chính, màu xanh, in đậm của mẫu quảng cáo. Đây là thành phần quan trọng nhất, vì vậy bạn cần dành thời gian để viết và tối ưu hóa để thu hút khách hàng tiềm năng.

URL hiển thị (Display URL)

Là đường dẫn xuất hiện trên mẫu quảng cáo, chứ không phải là để vào trang đích, mục đích của URL này là để dễ đọc và thu hút khách hàng tiềm năng.

Các thuật ngữ chung về Google Ads

Trả phí theo nhấp chuột (Pay Per Click - PPC)

Hình thức quảng cáo trả tiền theo click chuộtĐây là hình thức tính phí quảng cáo theo nhấp chuột. Mỗi lần ai đó nhìn thấy quảng cáo và nhấp vào xem nội dung thì người đăng quảng cáo (bạn) sẽ bị mất phí.

Mức phí PPC sẽ theo mức bỏ thầu mà bạn đã thiết lập trước đó.

Trả phí theo mỗi 1000 lần hiển thị (Pay Per 1000 Impressions - PPM):

Đây là hình thức Google tính phí quảng cáo trên mỗi 1000 lần hiển thị quảng cáo. Lưu ý là chỉ hiển thị, chứ không cần nhấp chuột (như hình thức PPC).

Phí bình quân mỗi lần nhấp chuột (Average Cost per Click – Avg.CPC)

Mức phí này được tính bình quân cho mỗi click trong một giai đoạn nào đó, thường thấy trong báo cáo thống kê mà bạn xem được trong tài khoản quản trị Google Ads.

Chẳng hạn trong vòng 7 ngày gần nhất, có 50 lần click với tổng phí là 410.000 đồng, thì phí bình quân là 410.000 : 50 = 8.200 đồng/click.

Ngân sách (Budget)

Là hạn mức tiền mà bạn muốn trả cho quảng cáo trong 1 ngày. Google sẽ chạy quảng cáo không vượt quá mức ngân sách đó. Khi chạm mức này, thì sẽ không hiển thị quảng cáo của bạn nữa (cho đến ngày tiếp theo).

Các thuật ngữ trong quảng cáo Google Ads đánh giá chỉ số hiệu quả

Số lần nhấp chuột (Click)

Đây là số lần người dùng click vào quảng cáo của bạn. Cả khi họ nhấn vào số điện thoại trong tiện ích mở rộng cũng được tính là 1 click.

Thường đây là số liệu trong báo cáo cho 1 khoảng thời gian nào đó. Chẳng hạn, trong 3 ngày gần nhất, số lượng click vào quảng cáo là 50.

Số lần hiển thị (Impression)

Đây là số lần mẫu quảng cáo của bạn được hiển thị. Ví dụ, ngày hôm qua có 200 lần hiển thị quảng cáo cho người dùng xem.

Tỉ lệ nhấp chuột (Click Through Rate) – CTR là gì?

CTR là tỉ lệ giữa số lần người dùng click so với số lần quảng cáo hiển thị.

Giả sử có 10 lần click trong số 200 lượt hiển thị, thì CTR = 10/200 = 5%.

Điểm chất lượng (Quality Score)

Quality Score là điểm chất lượng được Google sử dụng để đo lường mức độ liên quan giữa các yếu tố như: tiêu đề, từ khóa, mô tả và URL đích của quảng cáo. Khi điểm chất lượng càng cao thì mẫu quảng cáo sẽ có vị trí cao hơn, và giảm được chi phí cho mỗi lần nhấp chuột. Điều đó cũng có nghĩa rằng mẫu quảng cáo, từ khóa và trang đích của bạn phù hợp và hữu ích cho người xem mẫu quảng cáo.

Thứ hạng quảng cáo Ad Rank là gì?

Là điểm giá trị để xác định liệu quảng cáo của bạn có được hiển thị hay không, và nếu có thì sẽ nằm ở vị trí nào so với các quảng cáo khác. Điểm số này được Google tính toán dựa trên một số tiêu chí như: giá thầu, điểm chất lượng, tính cạnh tranh của phiên đấu giá, ngữ cảnh tìm kiếm của người dùng...

-------------

Có thể nói quảng cáo Google là một chủ đề khá rộng trong Marketing online. Tìm hiểu kỹ các thuật ngữ trong quảng cáo Google Ads để áp dụng cho hiệu quả rõ ràng là việc làm cần thiết.