Đối với bất kì người quản trị website nào thì có lẽ Subdomain là một thuật ngữ khá quen thuộc. Tuy nhiên, khái niệm này lại không phổ biến khiến nhiều quản trị viên mới hay những nhà kinh doanh muốn tìm hiểu về website. Vậy Subdomain là gì? Mục đích sử dụng và cách sử dụng nó như thế nào? 

Subdomain là gì?

Subdomain hay còn được gọi là tên miền phụ, nó là một phần tách được tách ra từ tên miền chính (domain). Subdomain hoạt động riêng như một trang web bình thường và có cùng tên miền chính.

Do tách biệt hoàn toàn như một website nên về mặt SEO, Subdomain hoàn toàn không hề ảnh hưởng tới bất kì backlinks nào của Domain chính.

Ví dụ Subdomain là gì?

Bằng cách sử dụng Subdomain, chúng tôi đã có thể tạo ra nhiều trang web hoạt động riêng biệt, độc lập mà không hề mất một khoản phí nào để đăng ký tên miền mới hay gặp rắc rối về việc xử lý chuyển hướng tên miền.

Vì vậy, thay vì tạo thêm 1 module được hoạt động dưới sự kiểm soát của website chính thì bạn hoàn toàn có thể tự tạo trang web riêng bằng Subdomain trong khi vẫn giữ được tên miền chính. Các trang subdomain này thường sẽ được dùng để tạo ra các website nhất định như: Blog, Trang thương mại điện tử, các kênh review…

Subdomain được sử dụng với mục đích gì?

Sự ra đời của Subdomain chính là chìa khóa của sự tiện dụng dành cho các doanh nghiệp nói chung và các quản trị viên nói riêng. Nếu không có Subdomain, chúng ta sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi muốn thực hiện các mục đích sau:

Tạo một website riêng

Như đã nói ở trên, mục đích chính của Subdomain là tạo một website mới mà vẫn sử dụng Domain chính. Bạn sẽ không cần mất bất kỳ khoản phí nào để đăng ký tên miền mới, trong khi website mới được bởi Subdomain lại có thể hoạt động y hệt một website chính.

Hơn thế nữa, Subdomain còn có thể là một nơi được tạo ra để chứa đầy thông tin nhằm phục vụ một nhóm khách hàng riêng với ngôn ngữ và content phù hợp.

Ví dụ, công ty của bạn đang kinh doanh mỹ phẩm, bây giờ bạn lại muốn kinh doanh thêm một số quần áo phụ kiện. Nhưng, vấn đề là website mỹ phẩm lại có quá nhiều đồ và bạn không thể nhét thêm content về quần áo vào được. Vậy thì với Subdomain, việc này hoàn toàn có thể giải quyết đơn giản. Bạn có thể tạo một website riêng có giao diện và chức năng độc lập, với tên miền là Subdomain. Và dĩ nhiên, website trên tên miền phụ này sẽ không hề ảnh hưởng tới website chính bán mỹ phẩm.

Tạo riêng trang web dành cho phiên bản mobile

Subdomain được sử dụng dành riêng cho giao diện mobile tuy không mới lạ nhưng đã không còn được sử dụng thường xuyên như trước kia. Các website bây giờ thường được thiết kế tương thích với các thiết bị di động, gọi là theo chuẩn Responsive. Khi người dùng truy cập vào website, trang web sẽ tự động xác định kích thước của thiết bị và đưa ra bố cục hợp lý với trang web đó.

Vì vậy, việc sử dụng Subdomain để tạo website thường chỉ còn được dùng với những website không theo chuẩn di động.

Ví dụ, người dùng truy cập trên PC vào một trang web sẽ trả về địa chỉ abc.com. Nếu sử dụng điện thoại để truy cập địa chỉ đó thì sẽ được tự động chuyển hướng tới Subdomain với tên miền kiểu như là m.abc.com.

Chia module blog hay trang thương mại điện tử tách khỏi website chính

Việc dùng Subdomain để chia các Module ở website chính thành website độc lập là điều không hề hiếm thấy. Với một doanh nghiệp đa ngành, đa nghề thì việc tách ra nhằm phát triển quy mô có lợi hơn.

Chẳng hạn, công ty của bạn kinh doanh tất cả các mặt hàng giày dép, quần áo, phụ kiện, túi xách, nước hoa… và bạn đang muốn phát triển tất cả các loại mặt hàng này. Việc tạo blog về các mặt hàng này là điều đương nhiên nhưng lại quá khó để sắp xếp cho từng nhóm sản phẩm, khó phân chia bài viết trong một module. Vì vậy, việc tách riêng website ra bằng cách sử dụng Subdomain là một phương pháp hiệu quả để quản lý từng nhóm sản phẩm. Đôi khi việc quản lý từng website riêng lẻ sẽ dễ dàng hơn việc duy trì một website đa năng, đa sản phẩm.

Giúp tiết kiệm chi phí

Tất nhiên rồi, Subdomain là một công cụ miễn phí. Bạn có thể thiết kế nhiều website dưới dạng Subdomain mà không cần phải mất phí đăng ký tên miền.

Hình thức này vừa tiết kiệm vừa đem lại hiệu quả cao. Hơn thế nữa, các website do subdomain quản lý có thể sử dụng trực tiếp các thiết kế từ website chính mà không lo vấn đề trùng lặp bởi tính thống nhất của chúng. Điều này cũng giúp tiết kiệm một khoản khá lớn để chi cho bên thiết kế website.

Khi nào nên sử dụng Subdomain?

Hiển nhiên việc Subdomain miễn phí và vô tận thì bạn hoàn toàn có thể sử dụng thoải mái vào bất cứ việc gì. Tuy nhiên, chúng chỉ hiệu quả khi bạn sử dụng vào đúng mục đích. Vì vậy, bạn nên sử dụng Subdomain khi:

Quản lý, hỗ trợ tối đa website chính

Mặc dù việc quản lý một website đa ngành nghề nghe có vẻ dễ dàng hơn nhưng thực tế lại không phải như vậy. Rất có thể công việc sẽ bị chồng chéo vào nhau gây khó khăn trong quá trình quản lý. Vì vậy, Subdomain hoàn toàn có thể giải quyết vấn đề này.

Một doanh nghiệp thông minh sẽ chọn cách phân cho từng quản trị viên quản lý một Subdomain của một nhóm sản phẩm. Khi đó, việc quản lý sẽ thuận tiện, dễ dàng và quy củ hơn. Hơn nữa, với các trang web thương mại điện tử, việc bảo mật sẽ càng kỹ càng hơn so với các trang blog và review. Vậy nên, tách riêng từng cái ra sẽ giúp bảo mật tối đa nhất có thể.

Doanh nghiệp của bạn vừa cho ra mắt một sản phẩm mới

Doanh nghiệp của bạn vừa cho ra mắt một sản phẩm mới dành cho một nhóm đối tượng không thuộc nhóm đối tượng ở website chính. Vậy thì việc bạn cần làm bây giờ chính là tạo một website từ Subdomain dành riêng cho nhóm khách hàng mới này. Trang web này cần thiết kế với nội dung độc lập dành riêng cho nhóm khách hàng này.

Subdomain còn hỗ trợ giúp bạn tạo chiến dịch mới, nội dung thử nghiệm mới. Sau khi tạo mới, bạn có thể kiểm tra xem chiến dịch này có hiệu quả không, có phát triển tốt không. Nếu nó hoạt động tốt thì bạn có thể chắc chắn xây dựng website này. Còn ngược lại, hoạt động không tốt thì bạn chỉ cần xóa Subdomain này đi là xong.

Hỗ trợ xây dựng, quảng bá thương hiệu

Việc tạo website dưới sự hỗ trợ của Subdomain nhằm ra mắt sản phẩm mới giúp doanh nghiệp tiếp cận người dùng nhanh chóng hơn, vừa đưa ra được chiến dịch quảng bá sản phẩm hiệu quả nhất. Đặc biệt, bạn còn có thể tận dụng tối đa dung lượng truy cập từ Domain lại vừa có thể làm SEO tốt hơn. Chỉ khi có chiến lược đúng đắn, chiến dịch phù hợp thì mới có thể giúp doanh nghiệp tạo dựng thương hiệu nhanh chóng, quảng bá rộng rãi.

Một Domain chính được đăng ký thì tạo được tối đa bao nhiêu Subdomain?

Theo quy tắc, một Domain có thể tạo ra vô số Subdomain, số lượng này không hề bị giới hạn. Vì vậy, có rất nhiều người đã sử dụng cách này để kiếm tiền. Cách tiết kiệm tiền đơn giản: bạn chỉ cần kiểm tra và mua một tên miền thật “xịn”, tạo các Subdomain từ tên miền này và bán chúng lại cho những người có nhu cầu.

Tuy nhiên, trên thực tế, trang web được thành lập dưới sự quản lý củ Subdomain lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố sau:

  • Cấu hình tại nơi website đăng ký chính chủ.
  • Cấu hình máy chủ DNS của tên miền đang lưu trữ và giải băng thông của nhà cung cấp máy chủ chứa DNS hiện tại.
  • Khả năng tương thích SEO.

Trong 3 yếu tố trên, khả năng tương thích SEO là yếu tố quan trọng nhất khiến những người quản trị giới hạn số Subdomain. Khi một tên miền có nhiều tên miền phụ thì khả năng tương thích SEO sẽ giảm đi ít nhiều. Điều này sẽ gây ảnh hưởng rất lớn tới website chính của bạn.

Subdomain không có quá nhiều điểm khác biệt so với Domain. Tuy vậy, nhiều người lại nhầm lẫn rằng “www” là một phần của Domain. Trên thực tế, tên miền chỉ có dạng abc.com, còn với những tên miền kiểu www.abc.com thì “www” chính là 1 Subdomain. Bạn hoàn toàn có thể thay thế “www” bằng một Subdomain khác như “m.abc.com” hay “wiki.abc.com”…

Như vậy, bạn đã có thể phân biệt đâu là Domain, đâu là Subdomain dựa vào địa chỉ website mà bạn truy cập.

Những lưu ý về Subdomain

Subdomain rất hữu ích nhưng bên cạnh đó, nó cũng tồn tại một vài nhược điểm. Khi sử dụng tên miền phụ, bạn nên lưu ý một vài vấn đề sau:

Cần quản lý chặt chẽ các Subdomain để tránh trường hợp giả mạo

Bất lợi đầu tiên của việc có nhiều Subdomain đó là việc bán hoặc sang tên những website này cho người khác sử dụng. Và chỉ cần 1 Subdomain này bị tố cáo, đánh dấu spam hay bị "ban" thì ngay lập tức các tên miền phụ còn lại cũng sẽ bị ảnh hưởng. Thậm chí, nếu có nghi ngờ là tấn công giả mạo thì Domain chính của bạn có thể bị cấm (ban) vĩnh viễn. Trừ khi bạn cung cấp đầy đủ các thông tin, bằng chứng là bạn không trục lợi. Tuy nhiên, để làm những thủ tục này thường rất rườm rà và rắc rối.

Subdomain sẽ yêu cầu quản trị, thiết kế nhiều hơn

Một điều hiển nhiên, có nhiều website thì cũng cần quản trị nhiều hơn. Bên cạnh lợi ích của việc hoạt động độc lập thì các quản trị viên cũng phải làm việc nhiều gấp đôi bình thường. Vì vậy, các Subdomain thường sẽ được làm trang web hỗ trợ cho trang web chính.

Khó tạo hình ảnh thương hiệu đồng nhất

Thông thường, để trang web sử dụng tên miền phụ đồng nhất với trang web chính thì phải sử dụng nguyên thiết kế của trang web đó. Tất nhiên là sẽ khó có được trải nghiệm đồng nhất trên một website hoàn toàn mới. Điều này chỉ có thể làm được khi nhờ đơn vị thiết kế website chuyên nghiệp.

Subdomain ảnh hưởng đến việc SEO website

Trước đây, Domain và Subdomain được Google xử lý hoàn toàn tách biệt. Google coi đây là 2 website độc lập, khác biệt nhau. Do đó, người quản trị SEO sẽ tận dụng lợi thế này để cùng lúc cho 2 trang web cùng tăng thứ hạng.

Tuy nhiên, với sự thay đổi ngày càng thông minh của thuật toán Google, Domain và Subdomain giờ đây được xếp vào ngày càng gần giống nhau. Điều này dẫn đến sự ảnh hưởng trực tiếp tới tên miền chính. Vì vậy, có càng nhiều Subdomain thì sẽ càng ảnh hưởng nhiều đến thứ hạng website. Điều này có thể thấy rằng, khi bạn tìm kiếm một từ khóa thì kết quả hiển thị từ tên miền chính bao giờ xuất hiện nhiều hơn.

Nói chung, Subdomain là một công cụ hữu ích dành cho SEOer. Chúng miễn phí và đem lại nhiều lợi ích thiết thực. Mặc dù vậy, bạn không nên lạm dụng quá nhiều Subdomain từ một tên miền chính. Chúng chỉ phát huy tối đa hiệu quả khi bạn sử dụng vào đúng mục đích.

Đến đây tôi xin kết thúc bài viết. Hy vọng bài viết này đã giúp các bạn hiểu thêm về Subdomain là gì, cũng như những nội dung có liên quan. Chúc các bạn thành công với website của mình.