Kế hoạch thương mại hóa 5G được Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành cuối tháng 8. Tuy không đề cập cụ thể thời gian thương mại hóa 5G, một số nhiệm vụ sẽ được triển khai từ nay đến cuối năm. Trong đó, quy hoạch băng tần 5G và bộ tiêu chí sẽ được thực hiện trong tháng 9. Việc tổ chức đấu giá quyền sử dụng tần số 5G diễn ra trong tháng 11.
Việc nghiên cứu, xây dựng phương án chia sẻ cơ sở hạ tầng nhằm tiết kiệm chi phí đầu tư sẽ diễn ra trong quý IV/2023, còn việc phát triển thiết bị, ứng dụng 5G thương mại hóa thực hiện trong năm 2023-2024.
Bộ cho biết nguyên tắc triển khai thương mại hóa 5G là cần phát triển hạ tầng viễn thông đi trước một bước, từ đó là nền tảng để phát triển các ứng dụng, dịch vụ 5G, nâng cao nhu cầu thị trường, góp phần đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế số, xã hội số.
Kế hoạch của Bộ cũng yêu cầu ưu tiên thương mại hóa 5G sử dụng thiết bị Make in Vietnam, giảm sự phụ thuộc vào thiết bị nước ngoài, đồng thời chia sẻ cơ sở hạ tầng giữa các doanh nghiệp nhằm triển khai tiết kiệm, hiệu quả.
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực viễn thông, kế hoạch trên không đồng nghĩa với việc có thể thương mại hóa 5G trong năm nay. "Để thương mại hóa, một vấn đề cơ bản nhất là phải có gói cước. Tuy nhiên việc xây dựng gói cước sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như kết quả đấu giá tần số, nhu cầu thị trường. Việc này đến nay vẫn chưa có kết quả", người này nói.
Về mặt kỹ thuật, một số nhà mạng đã thử nghiệm triển khai 5G từ cuối 2020. Trong đó, có nhà mạng đã thử nghiệm 5G tại hầu hết tỉnh thành trên cả nước, trên cơ sở người dùng vẫn sử dụng gói cước 4G. Vào tháng 5 và tháng 6, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức đấu giá quyền sử dụng băng tần 2.300 MHz phục vụ cho 5G. Tuy nhiên, các cuộc đấu giá không thành, do không có doanh nghiệp nào nộp hồ sơ và tiền đặt trước.
Hiện một số nhà mạng cũng lên kế hoạch triển khai 5G riêng cho các tổ chức, doanh nghiệp. Mạng 5G với đặc điểm tốc độ cao, độ trễ thấp, 5G được đánh giá sẽ tạo ưu thế cho tăng cường năng lực sản xuất, có thể ứng dụng trong IoT, nhà máy thông minh.