Theo nghiên cứu của The Shift Network, hệ thống công nghệ thông tin, điện toán và xử lý dữ liệu chiếm 3,7 lượng khí thải carbon ra môi trường trên toàn cầu. Trong khi đó, lượng phát thải từ ngành hàng không xếp vị trí thứ hai, chiếm khoảng 2,4%.

Dựa trên kết quả nghiên cứu từ 2019 ở trên, tuần này, hai chuyên gia nghiên cứu Lofti Belkhir và Ahmed Elmeligi dự báo lĩnh vực điện toán sẽ vượt 14% lượng khí thải toàn cầu vào năm 2040. Con số này dựa trên sự tăng vọt của hệ thống đào tạo dữ liệu trong cơn sốt AI tạo sinh hiện tại và trong tương lai.

Theo nhóm nghiên cứu, lĩnh vực máy tính, lưu trữ thông tin và xử lý dữ liệu đang tiêu thụ điện năng nhiều hơn các lĩnh vực khác. Chẳng hạn, một trung tâm dữ liệu duy nhất có thể tiêu thụ lượng điện tương đương 50.000 ngôi nhà. Một báo cáo của Ủy ban châu Âu năm 2020 cũng cho thấy các hệ thống công nghệ và điện toán chiếm từ 5 đến 9% tổng lượng điện sử dụng trên toàn cầu. Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng Anh ước tính việc xử lý dữ liệu đã chiếm 12% sản lượng điện quốc gia năm 2020 và sẽ tăng lên 20% đến năm 2025.

Giới chuyên gia đang lo ngại về vấn đề môi trường trước làn sóng AI. "Trung tâm dữ liệu không khác gì nhà máy sản xuất công nghiệp, nhưng mọi thứ không hiện ra trước mắt mọi người", Alex Craven, CEO công ty tư vấn công nghệ The Data City, nhận xét. "Nếu làm trong nhà máy, bạn thấy khí thải ngay trước mắt. Nhưng khi là sản phẩm kỹ thuật số và lưu trên Internet, bạn sẽ không cảm nhận được".

"Nếu cắm máy tính vào một máy phát điện bằng động cơ diesel, tôi sẽ nghĩ khác khi thấy khí thải thoát ra một bên. Nhưng hiện mọi thứ đều sạch sẽ, không thấy bất cứ thứ gì trước mắt", Asim Hussain, Chủ tịch của tổ chức Green Software Foundation, ví von.

Có ba nguyên nhân khiến việc xử lý và lưu trữ dữ liệu gây ô nhiễm môi trường. Đầu tiên, máy chủ cần điện để chạy. Thứ hai, bản thân thiết bị làm từ nguồn tài nguyên đắt tiền, lại cần sửa chữa và thay thế thường xuyên, do đó gây tác hại đến môi trường khi khai thác các nguyên liệu này. Thứ ba, chúng phải được giữ mát thường xuyên, đòi hỏi nhiều điện và nước. Các nhà nghiên cứu nhận định một cuộc trò chuyện cơ bản cùng ChatGPT, với 20-50 câu hỏi và phản hồi, có thể dùng hết 500 ml nước. Tổng lượng nước sẽ tăng lên mức khổng lồ vì thực tế số người dùng lên đến cả trăm triệu cùng hàng tỷ câu hỏi được đưa ra thời gian qua.

"Các mô hình ngôn ngữ lớn và máy học đóng góp lượng khí thải carbon khủng khiếp vào môi trường", Philipp von Bieberstein, đồng sáng lập hãng phần mềm theo dõi carbon Climatiq, cho hay.

Theo Bieberstein, vấn đề ô nhiễm môi trường từ các hoạt động xử lý và lưu trữ dữ liệu có thể được giải quyết thông qua sử dụng năng lượng tái tạo, chẳng hạn thủy điện hoặc điện mặt trời. Tuy vậy, ông cho rằng các công ty cũng cần có giải pháp hạn chế vấn đề phát thải, trong khi các quốc gia cần ra tiêu chuẩn chung về lĩnh vực này.