Nếu bạn muốn dấn thân hoặc gắn bó với nghề này, bạn nhất định phải biết được toàn cảnh về nghề copywriter ở Việt Nam hiện nay.

Copywriter là một nghề “siêu hot” không chỉ ở Việt Nam mà còn cả thế giới. Nơi nào có marketing phát triển, nơi đó không thể thiếu vắng đi chân dung của các copywriter. Tuy nhiên so với nước ngoài thì nghề copywriter tại nước ta hiện đang chậm phát triển hơn. Điều đó không chỉ được thể hiện qua lực lượng, lương, đánh giá của doanh nghiệp mà còn nhiều yếu tố khác nhau. Bài viết dưới đây là bức tranh toàn cảnh về nghề copywriter tại Việt Nam để các bạn “newbie” có thể hiểu rõ và đưa ra các quyết định đúng đắn.

Lương thấp hơn so với nước ngoài

nghề copywriter ở Việt Nam 1

Ở bài viết Lương copywriter bao nhiêu? mình đã nói rõ về sự chênh lệch giữa lương copywriter ở Việt Nam so với nước ngoài, cụ thể ở đây là nước Mỹ. Ngoài lý do mệnh giá của họ cao hơn bên mình thì sự thật là nghề copywriter ở nước ngoài có sớm hơn ở nước ta, ngoài ra bên nước họ thật sự coi trọng nghề này hơn nước mình.

Điều này không có gì đáng nói cả, bởi vì không riêng gì nghề copywriter mà hầu hết các nghề thì khả năng chi trả của nước ta không thể nào bằng với nước ngoài được. Vậy nên nếu bạn là một “newbie” khi tìm hiểu, so sánh về lương copywriter thì hãy so sánh giữa các công ty với nhau chứ không nên so sánh giữa nước ta với nước ngoài để rồi chán nản khi nhìn thấy sự chênh lệch quá lớn.

Không có ngành nghề nào chuyên đào tạo

Là một nghề “hot” nhưng tại Việt Nam hiện nay chưa có ngành nào chuyên đào tạo về copywriter. Nếu muốn trở thành copywriter thì các bạn có thể tham gia các ngành học như: marketing, báo chí, truyền thông, ngôn ngữ,... Thậm chí trong ngành này có rất nhiều người “tay ngang” vốn học những nghề không liên quan nhưng lại yêu thích và gắn bó với nghề copywriter.

Như vậy, để trở thành copywriter thì bạn có thể học bất cứ ngành nghề gì bạn yêu thích nhưng bắt buộc phải có: kiến thức về marketing, khả năng viết lách và niềm yêu thích đối với nghề.

Copywriter ở Việt Nam cũng có “dăm bảy” kiểu

nghề copywriter ở Việt Nam 2

Cùng là copywriter nhưng bạn sẽ gặp rất nhiều người với các tên gọi khác nhau. Nhiều người không biết sẽ nghĩ rằng họ làm ngành nghề khác nhưng thực ra họ đều là copywriter.

Nếu làm ở công ty cung cấp dịch vụ marketing thì được gọi là agency copywriter, nếu làm ở công ty cung cấp sản phẩm/dịch vụ (không phải là công ty cung cấp dịch vụ marketing) thì được gọi là corporate copywriter, còn nếu làm tự do thì được gọi là freelance copywriter.

Ngoài ra, nếu là người chuyên viết slogan, tagline, concept, storyboard thì được gọi là creative/advertising copywriter. Nếu là viết thư chào bán sản phẩm thì gọi là sale letter copywriter. Nếu là viết bài phục vụ cho SEO thì gọi là SEO copywriter. Nếu là viết bài PR, quảng cáo, forum seeding,... thì được gọi là publisher copywriter.

Chưa hết, nếu là những người thực tập ở vị trí copywriter thì được gọi là intern copywriter. Còn nếu ở các vị trí cao hơn thì được gọi lần lượt là junior copywriter, senior copywriter, content manager, content director,...

Cả copywriter lẫn nhà tuyển dụng chưa hiểu về nghề

Ở bài viết Phân biệt copywriter và content writer mình có đưa ra khẳng định rằng hơn 50% người không phân biệt được 2 nghề này. Thực ra con số này chỉ là nói giảm nói tránh, chứ trên thực tế có đến 90% người làm marketing dưới 1 năm không phân biệt được copywriter và content writer. Liệu bạn có nằm trong số đó không?

Việc không hiểu về nghề khiến cho các ứng viên không biết đâu là công việc phù hợp với mình và mình cần phải làm gì khi đảm nhận công việc này.

Không chỉ ứng viên mà ngay cả nhà tuyển dụng cũng không phân biệt được sự khác nhau giữa 2 nghề này, dẫn đến các tình huống “dở khóc dở cười” khi tuyển dụng. Ví dụ như tuyển content writer nhưng yêu cầu các công việc của copywriter hoặc ngược lại.

Chưa thực sự được coi trọng

nghề copywriter ở Việt Nam 3

Copywriter là một lĩnh vực quan trọng nhưng hiện nay nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thực sự xem trọng ngành này. Bằng chứng là nhiều doanh nghiệp muốn đẩy mạnh marketing nhưng lại “hời hợt” với bộ phận copywriter. Hoặc thậm chí nhiều doanh nghiệp không tuyển dụng bộ phận này mà giao nó cho một người không chuyên phụ trách như nhân sự, kế toán,... Hoặc nếu có tuyển dụng thì chỉ chi trả với mức lương bèo bọt.

Không chỉ vậy, người đời cũng có những cái nhìn không đúng về nghề copywriter. Nhiều người nghĩ rằng “copy” là “sao chép” thì copywriter chỉ là những người đi sao chép nội dung mà thôi. Với suy nghĩ đó họ cho rằng copywriter chính là những người tầm thường, không có sáng tạo, không mang đến các giá trị hữu ích cho doanh nghiệp.

Tổng kết

Nhìn chung nghề copywriter tại Việt Nam đang ngày càng phát triển và dần dần khẳng định được vị trí của mình. Mặc dù vẫn còn tồn tại khá nhiều khó khăn nhưng với giá trị mà nghề đem đến thì tin rằng nghề copywriter sẽ tìm được chỗ đứng vững chắc. Nếu bạn đã, đang hoặc sẽ là một copywriter, hãy cùng cố gắng, nỗ lực để góp “sức” giúp cho cái nghề của chúng ta được công nhận và ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn nữa nhé!