The Peripheral, do Amazon Prime sản xuất và mới phát hành từ cuối tháng 10, dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên của William Gibson, mô tả Trái đất vào năm 2099. Khi dân số giảm mạnh, loài người phụ thuộc vào xe tàng hình được điều khiển bởi người máy AI, hay các thiết bị như kính VR cho phép du hành ngược thời gian. Dù chỉ là phim khoa học viễn tưởng, có dấu hiệu cho thấy các chi tiết trong The Peripheral có thể trở thành hiện thực nhờ những công nghệ mới đang phát triển.

Điện toán lượng tử

Theo giới chuyên gia, một loại máy tính mới có thể "phá vỡ Internet" theo nghĩa đen, khiến mọi thứ từ bí mật quốc gia đến tài khoản ngân hàng rơi vào tay tội phạm. Đó chính là máy tính lượng tử.

Máy tính lượng tử đang được phát triển tại Google, IBM và nhiều tổ chức khác trên thế giới. Chúng được kỳ vọng trở thành những cỗ máy mạnh nhất hành tinh, đẩy nhanh quá trình như nghiên cứu thuốc mới, hay ngăn ngừa một số bệnh ung thư. Thế nhưng, chúng còn có thể được dùng cho các mục đích nguy hiểm.

"Máy tính lượng tử có sức mạnh xử lý lớn đến mức có thể khiến các công nghệ mã hóa hiện tại bị phá vỡ", David Mahdi, chuyên gia tại công ty an ninh mạng Sectigo, cảnh báo. "Có nghĩa tất cả dữ liệu trên thế giới không còn được bảo mật nữa".

Đến nay, các hệ thống mã hóa đều dựa trên công nghệ khóa công khai (PKI). Theo Mahdi, máy tính bình thường cần 300.000 tỷ năm để phá vỡ PKI, nhưng một máy tính lượng tử có thể thực hiện trong một tuần. Điều này dẫn đến "mọi dữ liệu trên Trái đất đều dễ bị tổn thương" và có khả năng xảy ra Ngày tận thế lượng tử (Q-Day), khi mã hóa trên Internet bị bẻ khóa bằng máy tính lượng tử.

Theo chuyên gia này, Q-Day có thể xảy ra trong vòng 10-15 năm nữa và các tổ chức cần bắt đầu lập kế hoạch nếu không muốn cuốn vào cuộc khủng hoảng.

Drone sát thủ

Máy bay không người lái (drone) được điều khiển từ xa và quyết định tấn công hay tiêu diệt mục tiêu là do con người đưa ra. Tuy nhiên, chi phí cho đội ngũ vận hành máy bay khá đắt đỏ, khiến các đơn vị quân đội nghĩ đến drone tự hành.

Trên thực tế, drone này đã xuất hiện. Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, trong cuộc giao tranh hồi tháng 3/2020, quân đội Chính phủ Quốc gia Lybia (GNA) từng phóng máy bay không người lái Kargu-2, được lập trình để hoạt động theo cách riêng mà không yêu cầu kết nối dữ liệu với người điều khiển. "Từ góc độ chiến tranh, drone tự động không đòi hỏi nhiều trí thông minh, công nghệ, chi phí nhưng hiệu suất cao", giáo sư Kevin Warwick, chuyên gia về người máy, nhận định.

Năm 2017, các nhà lãnh đạo công nghệ, trong đó có Elon Musk, đã viết thư cho Liên Hợp Quốc kêu gọi cấm vũ khí tự hành. Tỷ phú Mỹ gọi chúng là "chiếc hộp Pandora", là "cuộc cách mạng vũ khí thứ ba" trong chiến tranh sau thuốc súng và vũ khí hạt nhân. Trong thần thoại Hy Lạp, Pandora là chiếc hộp chứa đựng những tâm hồn xấu xa của con người.

Công nghệ nano

Công nghệ nano (nanotechnology) sử dụng vật chất ở quy mô nguyên tử, phân tử và siêu phân tử cho những mục đích khác nhau liên quan đến công nghiệp, nông nghiệp, đời sống... Hiện ứng dụng của công nghệ nano đã len lỏi vào nhiều lĩnh vực của đời sống. Chẳng hạn, nhiều bệnh viện sử dụng các hạt nano từ tính để đưa thuốc vào cơ thể người, hoặc tạo các hạt nano bạc để giúp chống nhiễm trùng.

Tuy nhiên, khi công nghệ phát triển, một số người tin công nghệ nano có thể được sử dụng để tạo ra vũ khí hủy diệt. Trong cuốn Vũ khí nano: Mối đe dọa ngày càng lớn mạnh đối với nhân loại xuất bản năm 2017, nhà vật lý Louis Del Monte mô tả nguy cơ các nanobot có thể tự tái tạo bằng cách tìm kiếm những nguyên tử phù hợp và nhân bản để hình thành một đội quân hủy diệt. Ông còn cho rằng vũ khí nano có 1/20 cơ hội hủy diệt loài người vào cuối thế kỷ 21. Đây cũng là kết quả nghiên cứu mà Đại học Oxford công bố tại Hội Nghị Rủi ro Thảm họa Toàn cầu tại Mỹ từ năm 2008.

Kéo dài sự sống

Trong nhiều năm, không ít tỷ phú công nghệ như Peter Thiel của PayPal, Sergei Brin của Google hay Jeff Bezos của Amazon đã đổ tiền vào công nghệ kéo dài tuổi thọ con người. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo công nghệ này có thể dẫn đến tình trạng quá tải dân số, gây thiệt hại cho các nền kinh tế. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, đến 2030, trung bình cứ sáu người trên thế giới sẽ có một người từ 60 tuổi trở lên, khiến các quốc gia phải vật lộn với chi phí chăm sóc người già.

Bên cạnh đó, do phần lớn nghiên cứu được tài trợ bởi các tỷ phú ở Thung lũng Silicon, giới chuyên gia lo ngại về một thế giới "nơi người giàu sống sót, người nghèo phải chết".

Elon Musk cũng không tán thành công nghệ kéo dài sự sống. "Nó sẽ gây ra sự ngột ngạt cho xã hội, bởi vì sự thật là hầu hết mọi người không muốn chết. Nếu không chết, chúng ta sẽ mắc kẹt với những tư tưởng cũ và xã hội sẽ không tiến bộ được", tỷ phú Mỹ nói đầu năm nay.