Bài viết này sẽ giới thiệu cho bạn mọi thứ về quảng cáo Google: từ khóa, mẫu quảng cáo, ngân sách, đấu thầu, xếp hạng quảng cáo, nhắm mục tiêu, đo lường và chuyển đổi.

Hãy bắt đầu với những điều cơ bản.

Google Ads là gì?

Google Ads là một nền tảng quảng cáo trả phí của Google cho phép cá nhân và doanh nghiệp có thể mua quảng cáo để hiển thị sản phẩm và dịch vụ của bạn trên nền tảng quảng cáo Google.

Mục tiêu của quảng cáo Google Ads là hướng người xem quảng cáo nhấp qua trang web hoặc ứng dụng của bạn, nơi mà khách truy cập đó có thể hoàn thành một hành động có giá trị, chẳng hạn như đăng ký để lại thông tin tư vấn, mua sản phẩm…vv

Các dạng quảng cáo Google Ads

Google Ads là một nền tảng gồm nhiều hình thức quảng cáo khác nhau, phổ biến nhất là quảng cáo từ khóa tìm kiếm trên công cụ tìm kiếm của Google. Ngoài ra Google Ads còn một số định dạng quảng cáo khác như:

  • Quảng cáo banner GDN trên nền tảng ad network của Google
  • Quảng cáo video trên nền tảng Youtube
  • Quảng cáo Google Shopping
  • Quảng cáo App

Cách quảng cáo tìm kiếm Google Ads hoạt động?

Quảng cáo tìm kiếm của Google hoạt động theo nguyên tắc đấu thầu thông qua từ khóa và giá tiền của nhà quảng cáo đặt cho từ khóa đó. Kết quả tìm kiếm phụ thuộc vào các yếu tố như từ khóa và giá thầu nhà quảng cáo đặt cho từ khóa sẽ quyết định người chiến thắng trong phiên đấu thầu để quảng cáo xuất hiện trên trang đầu kết quả tìm kiếm.

Phiên đấu giá bắt đầu khi ai đó nhập một truy vấn tìm kiếm trên trang tìm kiếm Google. Nếu từ khóa của nhà quảng cáo đấu thầu khớp với truy vấn tìm kiếm, Google sẽ xét tới yếu tố giá thầu và chất lượng quảng cáo để quyết định nhà quảng cáo nào giành chiến thắng trong phiên đấu thầu. Các nhà quảng cáo thắng cuộc sau đó sẽ hiển thị quảng cáo trên trang tìm kiếm.

Để tham gia vào quảng cáo này, các nhà quảng cáo cần tạo tài khoản trên nền tảng quảng cáo Google Ads. Sau đó thiết lập chiến dịch và xác định địa điểm và thời gian quảng cáo xuất hiện.

Các tài khoản được chia thành các chiến dịch để dễ quản lý. Dễ dàng tạo báo cáo vị trí, thời gian nhóm quảng cáo hoạt động như thế nào, nhóm nào đang đem về chuyển đổi tốt…vv

Các chiến dịch được chia thành nhiều nhóm quảng cáo chứa từ khóa và mẫu quảng cáo liên quan.

Từ khóa

Từ khóa là trung tâm của quảng cáo Google tìm kiếm, kết nối nhà quảng cáo với truy vấn tìm kiếm của người dùng.

  • Truy vấn tìm kiếm là những từ thực tế mà người dùng nhập vào ô tìm kiếm của công cụ tìm kiếm để tìm kết quả.
  • Mặt khác, từ khóa là những gì nhà quảng cáo sử dụng để nhắm mục tiêu tới những người dùng này bằng cách đối sánh các truy vấn tìm kiếm của họ.

Tùy thuộc vào loại đối sánh từ khóa mà nhà quảng cáo sử dụng, nhà quảng cáo có thể đối sánh các truy vấn tìm kiếm với mức độ chính xác cao hơn hoặc ít hơn.

Ví dụ: nhà quảng cáo có thể chọn đối sánh chính xác các từ khóa với các truy vấn tìm kiếm hoặc cho phép các biến thể như các sắp xếp khác nhau của từ khóa, cách viết khác nhau hoặc bao gồm các từ khóa khác.

Đối sánh từ khóa

Đối sánh từ khóa giúp kiểm soát những tìm kiếm nào trên Google có thể kích hoạt quảng cáo của bạn. Vì vậy, bạn có thể sử dụng đối sánh để nhắm tới một đối tượng rộng hoặc tập trung vào một nhóm đối tượng cụ thể.

Các loại đối sánh của từ khóa

Có 4 loại đối sánh của Google mà bạn có thể áp dụng cho từ khóa của mình

Đối sánh rộng

Đối sánh từ khóa rộng là dạng đối sánh mặc định của Google Adwords, từ khóa đối sánh rộng có thể được kích hoạt trên những từ khóa có liên quan, biến thể, từ đồng nghĩa. Điều đó có nghĩa từ khóa của bạn sẽ thu được lượng truy cập lớn nhưng lượng truy cập có thể được kích hoạt trên những cụm từ tìm kiếm bạn không mong muốn.

VD: Bạn sử dụng từ khóa quảng cáo adwords khi người dùng tìm kiếm cụm từ làm báo cáo quảng cáo từ khóa của bạn cũng có khả năng được kích hoạt.

Nếu bạn sử dụng từ khóa đối sánh rộng bạn có thể dùng từ khóa phủ định để hạn chế những cụm từ tìm kiếm không thích hợp kích hoạt từ khóa của bạn.

Đối sánh chỉnh sửa rộng

Đối sánh chỉnh sửa có điều kiện kích hoạt hẹp hơn so với đối sánh rộng, đối sánh chỉnh sửa giúp bạn nhắm mục tiêu chính xác nhưng linh hoạt hơn. Để sử dụng từ khóa chỉnh sửa bạn chỉ cần thêm “+” trước mỗi từ bắt buộc xuất hiện trong từ khóa khi kích hoạt.

VD: Bạn dùng từ khóa +quảng +cáo +adwords khi người dùng tìm kiếm cụm từ quảng cáo trên google sẽ không được kích hoạt nhưng khi người dùng tìm kiếm dịch vụ quảng cáo adwords trên google thì từ khóa được kích hoạt.

Kết luận khi những từ có dấu “+” trước từ khóa có có trong cụm từ tìm kiếm của người dùng từ khóa của bạn mới được kích hoạt.

Đối sánh cụm từ

Đối sánh cụm từ được kích hoạt khi người dùng tìm kiếm từ khóa có nội dung từ khóa của bạn. Từ khóa cụm từ được sử dụng giữa hai dấu nháy “ ”.

VD: Bạn dùng từ khóa “quảng cáo adwords” từ khóa sẽ được kích hoạt khi người dùng tìm kiếm cụm từ dich vụ quảng cáo adwords hoặc quảng cáo adwords tại hcm.

Từ khóa sẽ không được kích hoạt khi người dùng tìm kiếm cụm từ dịch vụ adwords hoặc quảng cáo google adwords, dịch cụ quảng cáo trên google adwords

Đối sánh chính xác là dạng đối sánh đặc biệt từ khóa của bạn chỉ được kích hoạt khi người dùng tìm kiếm cụm từ chính xác với từ khóa của bạn. Đối sánh chính xác được dùng giữa hau dấu [ ]

VD: Bạn dùng từ khóa [quảng cáo adwords] từ khóa chỉ được kích hoạt khi người dùng tìm kiếm từ khóa quảng cáo ads hoặc quang cao ads.

Từ khóa sẽ không được kích hoạt khi người dùng tìm kiếm quảng cáo ads hcm, giá quảng cáo ads

Đối sánh từ khóa ảnh hưởng rất lớn đến hiệu suất quảng cáo trong tài khoản của bạn,nó ảnh hưởng đến mỗi phiên đấu thầu những từ khóa nào có thể được kích hoạt hiển thị quảng cáo của bạn.

TỐI ƯU TÀI KHOẢN

Bạn có thể dùng đối sánh từ khóa để tối ưu hóa tài khoản quảng cáo bởi vì bạn cho phép những từ khóa nào được phép hiển thị và giúp bạn tránh lãng phí với những từ khóa không liên quan.

Từ khóa phủ định

từ khóa phủ định google ads

Từ khóa phủ định giúp bạn ngăn chặn những truy vấn bạn không muốn kích hoạt từ khóa quảng cáo của bạn.

Đây là cách tránh lãng phí ngân sách vào những truy vấn không mang lại lợi ích và tăng được lượng click có khả năng chuyển đổi cao với doanh nghiệp của bạn.

VD: Nếu bạn đang chạy quảng cáo hướng đến người dùng muốn quảng cáo Google:

  • Bạn dùng từ khóa: +quảng +cáo +google
  • Khách hàng tìm kiếm: công cụ chặn click ảo quảng cáo google
  • Quảng cáo của bạn được kích hoạt nhưng người dùng không phải khách hàng tiềm năng mà bạn nhắm đến. Người dùng có thể click vào quảng cáo và bạn bị tính phí cho nhấp chuột nhưng không mang lại lợi ích. Đây là lúc từ khóa phủ định phát huy tác dụng, bạn chỉ cần thêm từ khóa “công cụ” với đối sánh cụm từ làm từ khóa phủ định. Quảng cáo của bạn sẽ không còn xuất hiện cho những lần tìm kiếm sau đối với truy vấn trên.

Mẫu quảng cáo

Mẫu quảng cáo trên tìm kiếm hiển thị bên trên và bên dưới trong kết quả tìm kiếm của Google. Quảng cáo này có ba phần:

  • Tiêu đề
  • URL hiển thị
  • Mô tả

Mẫu quảng cáo và từ khóa sẽ chứa trong một nhóm quảng cáo có chủ đề chung. Nó giúp tăng trải nghiệm người dùng khi từ khóa thắng trong phiên đấu thầu thì mẫu quảng cáo trong nhóm từ khóa đó sẽ hiển thị trên kết quả tìm kiếm. Nó giúp tăng tính liên quan của nội dung quảng cáo hiển thị và truy vấn tìm kiếm của người dùng. Điều này góp phần quan trọng đến quyết định người dùng có click vào mẫu quảng cáo của bạn hay của nhà quảng cáo khác.

Note: Trên trang đầu quảng cáo tìm kiếm của Google hiện tại, Google sẽ hiển thị tối đa 7 vị trí cho quảng cáo tìm kiếm. Bao gồm 4 kết quả trên cùng và 3 kết quả phí dưới

Ngân sách và đấu thầu

Để tham gia đấu giá, nhà quảng cáo cần quyết định số tiền họ sẵn sàng chi cho một tự khóa nhất định. Điều này được thực hiện bằng cách sử dụng:

  • Ngân sách ở cấp độ chiến dịch
  • Giá thầu ở cấp độ nhóm quảng cáo hoặc từ khóa

Ngân sách được đặt ở cấp độ chiến dịch và Google có thể chi tiêu vượt quá hạn mức ngày, nhưng sẽ không bị vượt quá hạn mức hằng tháng.

Ví dụ: ngân sách quảng cáo Google của bạn hằng tháng là 30.4tr, để xác định ngân sách mỗi ngày bạn lấy 30.4tr/30.4 và bạn sẽ có ngân sách trung bình hằng ngày là 1tr.

Tất cả các nhóm quảng cáo phải được đặt giá thầu, nhưng giá thầu ở cấp độ từ khóa được Google ưu tiên giá thầu cấp độ nhóm quảng cáo.

Hiểu đơn giản Google sẽ yêu cầu bạn đặt giá thầu ở cấp độ nhóm quảng cáo khi cài đặt chiến dịch. Mặc định nếu bạn không tùy chỉnh giá thầu ở từ khóa thì từ khóa thì giá thầu nhóm quảng cáo sẽ áp cho tất cả các từ khóa trong nhóm quảng cáo đó. Nhưng nếu bạn tùy chỉnh giá thầu của từ khóa trong nhóm quảng cáo, Google sẽ lấy giá thầu cấp độ từ khóa ghi đè giá thầu cấp độ nhóm quảng cáo cho từ khóa được tùy chỉnh đó.

Do hệ thống đấu thầu của Google là hệ thống đấu thầu thời gian thực (RTB) nên giá thầu thực tế sẽ phụ thuộc vào đối thủ cạnh tranh và xếp hạng quảng cáo (ad rank). Không phải chỉ riêng giá thầu tối đa bạn đặt.

Xếp hạng quảng cáo Google Ads (Ad rank)

Có nhiều yếu tố để giành chiến thắng trong phiên đấu giá hơn là giá thầu cao nhất. Công cụ tìm kiếm xem xét các yếu tố khác để xác định quảng cáo nào nên ở vị trí hàng đầu.

Google xét đến các yêu tố để xác định xếp hạng quảng cáo như:

  • Số tiền đấu thầu (CPC tối đa)
  • Mức độ liên quan và chất lượng của quảng cáo
  • Bối cảnh của tìm kiếm (thiết bị tìm kiếm, thời gian tìm kiếm..)
  • Tiện ích mở rộng

Điểm chất lượng là một số liệu xác định mức độ liên quan của quảng cáo. Các thành phần của điểm chất lượng là:

  • Tỷ lệ nhấp mong đợi (CTR)
  • Mức độ liên quan của quảng cáo
  • Trả nghiệm trang đích

Điểm chất lượng càng cao thì CPC càng thấp, không phải lúc nào đặt giá thầu cao cũng có thể xuất hiện.

Đó là lý do quan trọng bạn nên tối ưu điểm chất lượng và các yếu tổ ảnh hưởng đến nó như:

  • Chất lượng mẫu quảng cáo: Mẫu quảng cáo ngoài thể hiện tóm tắt dịch vụ và sản phẩm của bạn, nó còn phải hấp dẫn để thu hút được sự quan tâm của người dùng. Đương nhiên nó phải liên quan đến cả truy vấn tìm kiếm. Vì thế nếu muốn tối ưu mẫu quảng cáo bạn nên chia nhỏ nhóm từ khóa theo chủ đề, để khi viết quảng cáo bạn sẽ dễ dàng viết các quảng cáo liên quan cho tất cả các từ khóa trong nhóm quảng cáo đó.
  • Trải nghiệm trang đích: cũng khá quan trọng nếu trang đích có trải nghiệm người dùng kém sẽ ảnh hưởng đến điểm chất lượng. Nó không chỉ khiến bạn mất thêm tiền cho mỗi phiên đấu thầu, và hết ngân sách sớm hơn.

Nhắm mục tiêu

Từ khóa giúp quảng cáo của bạn hiển thị đúng đối tượng, nhưng Google còn cung cấp thêm các tùy chọn nhắm mục tiêu khác như:

  • Thiết bị
  • Vị trí
  • Ngày và giờ
  • Nhân khẩu học

Bằng cách này bạn có thể nhắm mục tiêu đến những người dùng sử dụng thiết bị di động vào buổi tối hoặc người dùng dưới 25 tuổi và trong một bán kính nhất định của một vị trí cụ thể để tối ưu hiệu suất quảng cáo của bạn.

Bạn cũng có thể sử dụng tiếp thị lại cho phép gửi thông điệp quảng cáo cụ thể hơn đến đối tượng mục tiêu hoặc loại trừ những khác truy cập trước đây vào website của bạn.

Giá thầu có thể tự động điều chỉnh cho các từ khóa dựa trên các tùy chọn nhắm mục tiêu, giúp bạn kiểm soát nhiều hơn lưu lượng truy cập và chi tiêu bằng cách đặt giá thầu khi khách hàng có giá trị hơn đối với doanh nghiệp

Đo lường

Sự khác biệt giữa quảng cáo digital và quảng cáo truyền thông báo chí lớn nhất chính là sự đo lường. Với quảng cáo digital hay chính sách hơn trong trường hợp này là quảng cáo Google Ads là bạn có thể đo lường nhiều chỉ số liên quan như:

  • Hiển thị
  • Nhấp chuột
  • Chi phí cho mỗi lần nhấp
  • Hay thậm chí là chuyển đổi (để lại thông tin trên form, chat, tải tài liệu)…vv

Dựa vào những chỉ số này sẽ giúp bạn biết được chiến dịch bạn đang hoạt động hiệu quả hay đang hoạt động không tốt? Để từ đó bạn có kế hoạch điều chỉnh chiến lược quảng cáo phù hợp để đem lại kết quả tốt nhất cho doanh nghiệp của mình.

Ngoài ra Google còn cung cấp một số công cụ hữu ích khác hỗ trợ bạn trong việc đo lường như:

  • Google Analytics: giúp bạn tổng hợp dữ liệu và xuất ra các báo cáo có sẵn trên nền tảng
  • Google Tag Manager: giúp bạn dễ dàng tích hợp code tracking của bên thứ 3 hoặc chính Google. Ngoài ra nó còn hỗ trợ một cách mạnh mẽ trong việc theo dõi chuyển đổi

Chuyển đổi

Mục đích cuối cùng của bạn có phải đem về nhấp chuột từ quảng cáo?

Hay mục đích thật sự là đạt được chuyển đổi.

Chuyển đổi là những hoạt động mà nhà quảng cáo muốn người dùng hoàn thành sau khi nhấp vào quảng cáo và phụ thuộc vào loại hình doanh nhiệp quảng cáo.

Ví dụ về một số chuyển đổi phổ biến:

  • Mua sản phẩm
  • Đăng ký nhận bảng tin
  • Để lại thông tin
  • Gọi đến doanh nghiệp
  • Hoặc trao đổi qua chat

Điều cực kỳ quan trọng là theo dõi chuyển đổi để biết liệu chiến dịch quảng cáo Google Ads có hoạt động tốt hay không và có bao nhiêu chuyển đổi đem về từ quảng cáo Google Ads hơn các kênh quảng cáo khác.

Nền tảng quảng cáo như Google Ads có thể theo dõi chuyển đổi bằng cách sử dụng một đoạn mã được đặt và mã nguồn website của trang có chuyển đổi (chẳng hạn như trang cảm ơn) để thu thập dữ liệu chuyển đổi. Hoặc bạn có thể sử dụng Google Tag Manager để theo dõi chuyển đổi sau đó đẩy các sự kiện đó về Google Analytics.

Sau đó bạn có thể tiến hành liên kết tài khoản Google Analytics với Google Ads để nhập các mục tiêu trong Google Analytics thành chuyển đổi trong Google Ads. Các theo dõi này hiện tại là loại phổ biến nhất, nó giúp bạn linh hoạt và không phụ thuộc vào quản trị viên website để theo dõi chuyển đổi.

Tóm tắt

Hy vọng với bài viết này, bạn đã nắm được những kiến thức cơ bản của quảng cáo Google Ads và cách nó hoạt động. Từ đó bạn có thể tiếp cận và áp dụng cho doanh nghiệp của mình một cách hiệu quả.