Tác động tích cực của mạng internet trong đời sống và đối với trẻ em là điều không thể phủ nhận. Nhờ có mạng Internet, trẻ em có thể học tập trực tuyến, hoàn thiện các kỹ năng, tư duy phản biện, làm việc nhóm, bổ sung các kỹ năng ngôn ngữ, tham gia các hội nhóm, cộng đồng có cùng sở thích.

Ngoài ra còn rất nhiều các kỹ năng khác nữa, 7/12 kỹ năng đã được Diễn đàn Kinh tế Thế giới vạch ra là công dân thế kỷ 21 cần phải có và hơn phân nửa các kỹ năng liên quan đến media và công nghệ. Thành thạo sử dụng internet và các thiết bị điện tử sẽ giúp các em hoàn thiện các kỹ năng.

Tuy nhiên, Internet cũng có mặt trái, đó là nguy cơ những thông tin không phù hợp tiếp cận trẻ, hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần, thậm chí nhận thức bị lệch lạc. Nhân dịp năm học mới sắp bắt đầu và để mang tới cho độc giả những cái nhìn cận cảnh hơn về vấn đề có ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống xã hội này, Trung tâm Kết nối Công nghệ Tương lai (Tech Connect), Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức Talkshow the WISE Talk số 09 với chủ đề “Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng: Những lỗ hổng cần 'trám'".

BỐ MẸ TRÔNG CẬY VÀO “CỬA NÀO” ĐỂ ĐẢM BẢO CON TRẺ CÓ MẠNG “INTERNET SẠCH”?

Số liệu thống kê từ Viện nghiên cứu Quản lý và Phát triển bền vững từng chỉ ra rằng có tới 40% trẻ em cảm thấy không an toàn khi sử dụng internet và hơn 70% trẻ em từng có trải nghiệm không mong muốn khi sử dụng internet.

Theo ông Ngô Việt Khôi, chuyên gia đào tạo nhận thức an toàn thông tin, nguyên Giám đốc Quốc gia Trend Micro, thông thường, để một nội dung, chẳng hạn như một bộ phim, được phát hành trên một trang web hay mạng xã hội, sẽ có 3 khâu “gác cổng”.

Thứ nhất, nội dung đó có được dán nhãn dành cho trẻ em hay không.

Thứ hai, các ông lớn Internet giờ đây cũng cung cấp những ứng dụng dành riêng cho trẻ em, ví dụ như Messenger Kids hay Youtube Kids. Nhưng trong thực tế, “cổng” dán nhãn nội dung và “cổng” ứng dụng dành riêng cho trẻ em rất khó kiểm soát và hầu như bố mẹ không thể trông cậy, bởi khi trẻ cài một ứng dụng trên điện thoại, đặc biệt là điện thoại riêng của trẻ, hầu như các em không phụ thuộc gì vào bố mẹ.

Vì thế, khâu thứ ba chính là những người ở bên cạnh trẻ, gần gũi với trẻ nhất. Ông Ngô Việt Khôi cho biết, có đến 95% câu hỏi mà ông nhận được khi làm công tác đào tạo nhận thức an toàn thông tin hay tư vấn cho bố mẹ, đều là câu hỏi liên quan đến việc bố mẹ kiểm soát con trẻ sử dụng mạng Internet như thế nào. Giải pháp kiểm soát này sẽ là kiểm soát về thời gian, trẻ sử dụng mạng Internet trong bao lâu, giờ giấc nào. Và thứ hai là kiểm soát về mặt nội dung, trẻ xem những gì trên mạng Internet.

f371b9080817da498306.jpg
Ông Ngô Việt Khôi, chuyên gia đào tạo nhận thức an toàn thông tin, nguyên Giám đốc Quốc gia Trend Micro

“Theo tôi, chúng ta không thể trông chờ vào việc dán nhãn nội dung hay các ứng dụng cài trên máy trẻ có phù hợp với lứa tuổi hay không. Chúng ta cũng không thể chắc tất cả các ông bố bà mẹ đều có đủ trình độ và khả năng sư phạm để làm bạn với con”, chuyên gia về đào tạo nhận thức an toàn thông tin, cho biết. “Vậy thì còn một khả năng nữa, đó là đặt một “bộ lọc” vào môi trường Internet mà trẻ sử dụng”.

Tuy nhiên, giải pháp kiểm soát cũng ngày càng khó thực hiện bởi khoảng cách về mặt công nghệ giữa trẻ em và bố mẹ càng ngày càng lớn. Ngoài ra, sự riêng tư của các con cũng càng ngày càng lớn nên bố mẹ sẽ càng chật vật hơn trong việc làm bạn với con và đưa ra lời khuyên để con không xem những nội dung không mong muốn.

Ông Ngô Việt Khôi cho rằng hiện nay nhà mạng chỉ cung cấp một đường truyền internet giống như nối một đường ống từ bể nước về các gia đình, còn chất lượng của nước trong đường ống như thế nào thì nhà mạng chưa thể chịu hoàn toàn trách nhiệm. Nếu chờ đến ngày họ có một “bộ lọc xịn xò” thì chắc là ngày đấy còn lâu lắm. Vì vậy, chúng ta phải chủ động bật những bộ lọc riêng mà chúng ta có thể có.

KẾT HỢP GIỮA GIẢI PHÁP CÔNG NGHỆ VÀ CHA MẸ ĐỒNG HÀNH

Đồng quan điểm, ông Ngô Tuấn Anh, CEO Công ty An ninh mạng thông minh SCS, cho rằng câu chuyện bảo vệ trẻ an toàn trên môi trường mạng sẽ liên quan đến vấn đề kỹ thuật.

Tuy vậy, giải pháp kỹ thuật phải giải quyết được hai vấn đề. Thứ nhất, giải pháp phải đơn giản, dễ dùng.

Đối với các doanh nghiệp, tổ chức, việc chặn một địa chỉ website hay ứng dụng không mong muốn rất dễ dàng nhờ chuyên môn của đội ngũ CNTT và các thiết bị chuyên dụng.

Nhưng trong gia đình, nó trở thành bài toán khó. Chẳng hạn, gia đình không muốn con vào mạng xã hội quá nhiều vì ảnh hưởng sức khỏe và tâm thần, nhưng nếu cắt hẳn mạng Internet thì con lại không thể học trực tuyến. Vấn đề thứ hai chính là chi phí.

Giải pháp kỹ thuật phải có mức chi phí hợp lý với các gia đình, vì nếu mức phí này quá cao, các gia đình sẽ khó khăn trong việc trang bị “bộ lọc” đó.

Ông Ngô Tuấn Anh cũng cho biết đang cố gắng có những chương trình kết hợp với các đơn vị cung cấp dịch vụ internet để khi một khách hàng mới bắt đầu sử dụng dịch vụ Internet sẽ có luôn “bộ lọc” ở ngay đầu đường ống.

Mặc dù vậy, CEO SCS vẫn khẳng định để tạo ra một môi trường Internet an toàn, cần sự kết hợp giữa giải pháp công nghệ và cha mẹ đồng hành.

"Cha mẹ làm bạn với con, hiểu con, tạo môi trường tương tác, con trẻ coi cha mẹ là những người bạn, như vậy chúng ta mới tạo ra được môi trường mạng an toàn cho trẻ”, CEO SCS nói